Triển vọng nào để nối lại dòng khí đốt qua Ukraine?

Kỷ nguyên khí đốt giá rẻ của Nga cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Ukraine chính thức khép lại sau khi thỏa thuận kéo dài 5 năm giữa Nga-Ukraine hết hạn.
Thấy gì từ việc ngừng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine?Moldova mất điện diện rộng do Nga cắt nguồn cung khí đốtNga cắt khí đốt qua Ukraine, châu Âu ảnh hưởng thế nào?

Sau nhiều thập kỷ hoạt động, từ ngày 1/1/2025, dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức dừng chảy, khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Dù đã lường trước và có sự chuẩn bị cho kỷ nguyên không còn khí đốt giá rẻ Nga, châu Âu vẫn sẽ phải cảm nhận những tác động rõ rệt, với chi phí tăng cao.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu, là hành động “trừng phạt” châu Âu.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại cho đây là một trong những tổn thất, từ kinh tế cho đến tham vọng sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí của Nga.

Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế mới đây có bài viết liên quan đến việc trung chuyển khí đốt của Nga qua biên giới Ukraine tới châu Âu.

EU mất sự cân bằng năng lượng

Đến đầu năm 2025, việc Ukraine vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu chỉ còn là quá khứ, 15 tỷ m3 được cung cấp thông qua lãnh thổ Ukraine mỗi năm, trong đó 13 tỷ m3 được chuyển tới Slovakia và 2 tỷ m3 khác đến Moldova. Như vậy, hiện nay 15 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đang làm mất đi sự cân bằng năng lượng của châu Âu và cần được thay thế bằng cách mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc giảm tiêu thụ, bao gồm cả việc sử dụng nhiều than hơn.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine tới EU. Ảnh: Bruegel
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine tới EU. Ảnh: Bruegel

Thị trường LNG chưa có tình trạng dư thừa đặc biệt và giá cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2015-2021, nhưng tại Mỹ, hai dây chuyền nhà máy LNG mới với công suất 27 triệu tấn mỗi năm đã được xây dựng và đang chuẩn bị để xuất khẩu, tương đương 36 tỷ m3 khí đốt. Ngoài ra, việc xây dựng thêm một số nhà máy ở Mỹ, Canada và Mexico cũng sắp hoàn thành.

Cho đến nay, giá xăng ở châu Âu đã tăng gấp rưỡi so với mức thấp vào đầu mùa Xuân năm 2024, nhưng vẫn ở mức thấp hơn một nửa so với tháng 1/2022. Giá cả hàng hóa tăng là do ảnh hưởng của toàn bộ khối lượng khí đốt nhập khẩu, do đó tổn thất hóa ra cao hơn đáng kể so với việc chỉ bị mất đi 15 tỷ m3.

Tại EU, Slovakia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ việc ngừng hoạt động vận chuyển. Nước này mất khoảng 200 triệu Euro mỗi năm doanh thu từ việc vận chuyển khí đốt của Nga và sẽ buộc phải mua khí đốt ở nơi khác với giá cao hơn. Tuy nhiên, nguồn điện chính ở Slovakia là nhà máy điện hạt nhân và khí đốt chỉ được sử dụng cho mục đích phát điện cao điểm, sản xuất điện để xuất khẩu, trong công nghiệp và khu vực công.

Do đó, các vấn đề nảy sinh sẽ không quá lớn, nhưng đối với nền kinh tế nhỏ bé của Slovakia, những vấn đề này sẽ đáng chú ý. Ngoài ra, quốc gia này sẽ mất thu nhập nhận được từ việc bán lại khí đốt của Nga (cả dưới dạng khí đốt và dưới dạng điện được sản xuất từ lượng khí đốt nhập khẩu đó) cho những quốc gia chưa sẵn sàng mua trực tiếp từ Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom.

Nga “mất” 15 tỷ m3 khí đốt

Ba năm trước, thị trường khí đốt châu Âu là thị trường chính của Nga và Tập đoàn Gazprom nhưng tổn thất chính lại diễn ra vào năm 2022. Khối lượng đã giảm hiện nay chỉ là một phần nhỏ còn lại trong danh mục đầu tư khổng lồ một thời.

Năm 2025, Gazprom sẽ xuất khẩu 38 tỷ m3 sang Trung Quốc, khoảng 25 tỷ m3 sang Thổ Nhĩ Kỳ và 15 tỷ m3 sang châu Âu thông qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đi qua Biển Đen. Nghĩa là 15 tỷ m3 mà Gazprom bị mất do ngừng vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine sẽ chiếm khoảng 16% danh mục xuất khẩu này. Khối lượng này là đáng chú ý, nhưng không quá quan trọng.

Vấn đề mất doanh thu còn phức tạp hơn. Nếu khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang châu Âu, giá bây giờ có thể sẽ thấp hơn. Hơn nữa, mức giảm giá này sẽ áp dụng cho cả 15 tỷ m3 mà Gazprom đang mất và 40 tỷ m3 mà Nga tiếp tục cung cấp cho châu Âu thông qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và dưới dạng LNG.

Giả định nếu việc quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine được duy trì, giá khí đốt ở châu Âu sẽ vẫn ở mức 300 USD/1.000 m3 thì Nga sẽ mất khoảng 4,5 tỷ USD mỗi năm. Nếu giả định việc ngừng vận chuyển khí đốt đã làm tăng giá khoảng 100 USD/1.000 m3 cho 40 tỷ m3 còn lại mỗi năm thì Nga hầu như không bị thiệt hại gì. Tuy nhiên, những lợi ích và tính toán như vậy rất có điều kiện, bởi vì sự xuất hiện nhanh chóng của khối lượng LNG mới trên thị trường sẽ giảm bớt tác động của tình trạng thiếu hụt tạm thời.

Tuyến đường khí đốt “đắt đỏ”

Ukraine cũng đã mất phần lớn doanh thu trung chuyển khí đốt. Giá quá cảnh là 31,72 USD/1.000 m3. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine ghi nhận doanh thu 19 tỷ Hryvnia từ dịch vụ vận chuyển khí đốt, nhưng khoản nợ cho các hoạt động này lại tăng thêm 10,6 tỷ Hryvnia. Điều đó có nghĩa là Ukraine chỉ nhận được 8,4 tỷ Hryvnia tiền thật, tương đương khoảng 210 triệu USD trong 6 tháng.

Gazprom đã phải trả tiền để bơm 40 tỷ m3 mỗi năm với điều kiện “bơm hoặc trả tiền” - hơn 1,2 tỷ USD mỗi năm. Nhưng Nga đã tìm cách phá vỡ yêu cầu này bằng cách thường xuyên yêu cầu vận chuyển khí đốt qua các trạm trung chuyển Sokhranovka (Nga) - Pisarevka (Ukraine). Trạm Pisarevka nằm trên lãnh thổ Lugansk, bị Nga kiểm soát từ tháng 2/2022 nên Đơn vị vận hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine (OGTSU) tuyên bố không thể nhận khí đốt với lý do bất khả kháng. Gazprom trả lời, bằng cách này, nghĩa vụ của họ theo điều kiện “bơm hoặc trả tiền” không còn và không thanh toán phần tương ứng.

khí đốt Nga
Dòng khí đốt của Nga qua Ukraine tới châu Âu đã dừng từ ngày 1/1/2025 sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận. Ảnh: RIA

Trong khi đó, Naftogaz coi khoản chênh lệch này là một khoản nợ chưa thanh toán và đã đệ đơn yêu cầu trọng tài, nhưng ngay cả khi có được một quyết định tích cực thì khó có thể thu được số tiền này trước khi chiến tranh kết thúc. Mặc dù doanh thu này rất đáng kể đối với Naftogaz, nhưng tổng doanh thu của công ty, bao gồm cả khoản nợ phải trả cho hoạt động vận chuyển của Gazprom, lên tới 143 tỷ Hryvnia trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ngoài ra, Ukraine có thể sẽ mất doanh thu từ dịch vụ lưu trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất ở châu Âu. Nếu không vận chuyển từ Nga, khí đốt sẽ phải được bơm vào các cơ sở lưu trữ này từ Baumgarten của Áo, điều này làm tăng thêm khoảng 50 Euro cho mỗi 1.000 m3 chi phí vận chuyển vào chi phí lưu trữ, khiến toàn bộ hoạt động trở nên bất hợp lý.

Đi tìm lối thoát

Quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine đã bị dừng lại, mặc dù thực tế là việc duy trì quá cảnh sẽ đáp ứng lợi ích kinh tế của tất cả các bên - châu Âu, Ukraine và Nga. Không phải ngẫu nhiên mà trong suốt năm 2024, các bên đã tìm kiếm những hình thức có thể chấp nhận được để có thể tiếp tục tiến xa hơn. Tuy nhiên, EU và Brussels thực sự hoan nghênh việc giảm mua khí đốt từ Nga, khiến Slovakia phải cố gắng giải quyết các vấn đề khí đốt một mình.

Đại diện phía Ukraine, trong đó có Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho đến mùa Thu năm 2024 vẫn thừa nhận, quá trình vận chuyển có thể tiếp tục nếu Nga không phải là chủ hàng. Chỉ đến cuối năm 2024, Tổng thống Zelensky mới tuyên bố, việc vận chuyển khí đốt có nguồn gốc từ Nga chỉ có thể thực hiện được nếu chúng được thanh toán sau chiến sự.

Tuy nhiên, quá cảnh khí đốt vẫn có thể được khôi phục. Về mặt lý thuyết, Gazprom và Ukraine có thể ký các thỏa thuận thuần túy về mặt kỹ thuật và Kiev có thể cung cấp năng lực vận tải để sử dụng theo các quy định của châu Âu mà không cho phép Gazprom tham gia cùng. Sau đó, các công ty châu Âu sẽ mua khí đốt ở biên giới Nga-Ukraine và đưa sang Ukraine để vận chuyển.

Cho đến nay, kế hoạch này không được lên kế hoạch. Có lẽ vì Kiev coi việc nối lại hoạt động quá cảnh là con bài thương lượng quan trọng cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Moscow. Nhưng giá trị của thị trường khí đốt châu Âu đối với Nga đang giảm, đặc biệt khi kế hoạch tái cung cấp năng lượng cho EU liên quan đến việc từ bỏ hoàn toàn tất cả các loại nhiên liệu của Nga vào năm 2027 ra đời. Ngay cả khi việc triển khai kế hoạch này bị chậm trễ đáng kể, nhu cầu của châu Âu vẫn sẽ giảm do các khoản đầu tư đã được thực hiện vào năng lượng ít carbon, việc đóng cửa và di dời các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều năng lượng do cuộc khủng hoảng năng lượng 2021-2023, cũng như việc xây dựng các kho cảng LNG mới.

Về lâu dài, việc khôi phục quá cảnh khí đốt sẽ còn khó khăn hơn. Việc hỗ trợ một hệ thống vận chuyển khí đốt quy mô lớn cần có kinh phí và Naftogaz sẽ không có nhiều. Ngoài ra, Ukraine có thể muốn bằng cách nào đó sử dụng lượng khí dư thừa được xử lý để lấp đầy các đường ống. Điều này có nghĩa là nếu phải tiếp tục vận chuyển, thì một trở ngại kinh tế khác sẽ xuất hiện.

Từ ngày 1/1/2025, dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức dừng chảy, khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Theo giới chuyên gia, EU đã tìm được nguồn cung thay thế là LNG từ Qatar và Mỹ, nguồn cung cấp qua đường ống từ Na Uy. Tuy nhiên, châu Âu sẽ vẫn cảm nhận được tác động khi chi phí năng lượng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Thanh Bình
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận