Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư: Định hướng tính kết nối

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (năm 2016). Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - kiến nghị, cần chú trọng, định hướng tính kết nối giữa đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo cơ quan soạn thảo, Luật Đầu tư có phạm vi, quy mô và mức độ cải cách rất lớn, nhất là những vấn đề có liên quan đến ngành, nghề, lĩnh vực mà các Luật chuyên ngành khác cũng điều chỉnh. Do đó, trong quá trình thực thi không tránh khỏi vướng mắc. Chẳng hạn như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản… cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với những phạm vi và mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư cũng chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng; chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... cũng như một số những vấn đề khác.

\"sua

Ngoài ra, theo VCCI, Luật Đầu tư dù đã kiểm soát ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, song việc xác định còn chưa nhất quán, lộn xộn, cần phải có tiêu chí thống nhất để thực hiện cắt giảm trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh. Chất lượng cắt giảm điều kiện, thủ tục đầu tư còn nhiều vấn đề khiến cộng đồng doanh nghiệp trăn trở. Đến nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các điều kiện, thủ tục đầu tư mới… Đặc biệt, theo ông Vũ Tiến Lộc, tính kết nối giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với khu vực kinh tế trong nước không cao. Trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, đầu tư trong nước làm được song vẫn chú trọng dành cơ hội và ưu đãi cho khu vực FDI. Đó là chưa kể một số chính quyền địa phương chỉ chú trọng vào thu hút FDI mà chưa tạo điều kiện tốt cho đầu tư trong nước phát triển.

\"Trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều quốc gia vừa tiếp tục hội nhập nhưng cũng tăng cường bảo hộ đầu tư trong nước. Vì vậy, cần định hướng tính kết nối giữa thu hút FDI với đầu tư trong nước; tạo điều kiện tương xứng cho đầu tư trong nước. Đây là một yêu cầu mang tính cốt lõi khi sửa Luật Đầu tư lần này\" - ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư lần này nhằm tiếp tục cắt bỏ rào cản đầu tư, kinh doanh; giải quyết những vấn đề chồng chéo, vướng mắc do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ…
Lan Ngọc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận