Mứt gừng Kim Long: Nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất Cố đô

Làng Kim Long xưa (phường Kim Long, TP. Huế nay) nằm ở phía tây, giáp với kinh thành Huế, nổi tiếng không chỉ với người con gái đẹp "Kim Long có gái mỹ miều", mà nhiều loại bánh, mứt, đặc biệt là mứt gừng, đã trở thành nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người Huế khi tết đến, xuân về.

Cứ vào độ đầu tháng Chạp, mưa ngoài trời rả rích, phảng phất cái lạnh cuối mùa đông xứ Huế, hàng chục hộ dân phường Kim Long nhộn nhịp thu mua gừng tươi, đường kính trắng, bếp đỏ lửa để chuẩn bị cho mùa làm mứt gừng phục vụ tết cổ truyền dân tộc. Những năm trở lại đây, mứt Kim Long không chỉ phục vụ cho người dân Huế mà còn được bán trong Nam, ngoài Bắc; siêu thị, trung tâm thương mại.

Nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Xuân Hoa - cho biết, trước đây, Kim Long là nơi lập vườn, phủ đệ của nhiều đại quan triều Nguyễn. Do đó con gái nơi đây chắc chắn sẽ đẹp bởi các tiểu thư của các quan gia, thư lại không phải làm nông nghiệp và được ăn học bài bản về công, dung, ngôn, hạnh nên các cô gái có vẻ đẹp cao sang, đài các. Từ đó, người Huế có câu ca dao "Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi". Câu thơ này được cho là của vua Thành Thái trong một lần "vi hành" qua vùng đất Kim Long. Tuy nhiên, đây chỉ là tương truyền, chưa có sử liệu nào khẳng định chính xác sự ra đời của câu thơ trên.

Mứt gừng Kim Long: Nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất Cố đô

Mọi công đoạn trong sản xuất mứt gừng Kim Long đều được làm thủ công, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm

Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Kim Long nguyên là phủ của Chúa Nguyễn, sau này vua Gia Long cấp đất cho các đại thần của mình xây nhà và ở đó. Ngày xưa chợ Kim Long chỉ dành riêng cho giới quan lại, quý tộc, do vậy những hàng ăn thức uống được bán nơi đây cũng mang những đặc trưng riêng, trong đó có các loại bánh mứt. Người Huế rất coi trọng bánh mứt, bánh mứt ngày Tết không chỉ để tiếp khách mà còn để cúng gia tiên, ông bà. Từ đó, những làng nghề làm bánh mứt khu vực Kim Long, trong đó, có nghề làm mứt gừng cũng được hình thành để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của giới quan lại, quyền quý nơi đây.

Gừng để làm mứt chủ yếu trồng ở khu vực Tuần, thượng nguồn sông Hương, đặc trưng của mứt gừng Kim Long là lát mứt mỏng, cay tự nhiên và rất thơm. Các công đoạn chế biến đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, qua bàn tay khéo léo, gia truyền từ đời này sang đời khác. Để có một đĩa mứt gừng thơm lừng, người làm trải qua nhiều khâu chế biến phức tạp, tỉ mỉ. Trong đó, công đoạn khó nhất là rim mứt, người rim mứt phải đảo thật đều tay, nhẹ nhàng để lát gừng thấm đều với đường mà không bị khô hoặc cháy.

Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu thị trường hạn chế nên số lượng người làm, sản lượng mứt gừng làm ra không bằng như mọi năm, sản xuất cầm chừng.

Mứt gừng Kim Long: Nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất Cố đô

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - (chủ lò mứt gừng Ánh Nguyệt, phường Kim Long) - cho biết, mứt gừng được làm quanh năm, tuy nhiên, tháng cuối năm mới làm số lượng lớn. Mọi năm từ đầu tháng Chạp thương lái các tỉnh phía Nam đã đặt hàng và mình cũng đã xuất hàng. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng đơn hàng đặt rất ít, sản xuất bằng một nửa năm ngoái. "Hiện, cơ sở sản xuất cầm chừng, dự trữ từ 5 - 7 tạ mứt để bán dần từ giờ đến cuối năm thôi, chứ năm ngoái thời điểm này đã làm hơn 2 tấn rồi" - bà Nguyệt chia sẻ. Giá mứt gừng Kim Long hiện giao động từ 70 - 90 nghìn đồng/kg, tùy loại.

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long (TP. Huế) - cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng người làm mứt giảm nhiều so với mọi năm. Hiện, chỉ có 3 hộ làm mứt quy mô lớn, còn lại là những hộ làm nhỏ lẻ phục vụ trong gia đình và tặng người thân khi tết đến xuân về. Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình làm mứt gừng, hàng năm, chính quyền kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội phụ nữ cho vay với lãi suất thấp đối với các hộ làm mứt gừng. Đặc biệt, tại các gian trưng bày, bán hàng hóa khi tết đến, xuân về, sản phẩm mứt gừng Kim Long luôn được ưu tiên bày bán ở những vị trị thuận lợi để thu hút người tiêu dùng.

Thừa Thiên Huế đang hướng đến "Kinh đô ẩm thực", nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Để tránh mai một và lưu giữ những nét ẩm thực truyền thống, văn hóa của người xưa, chính quyền sở tại cần có giải pháp căn cơ, hỗ trợ các làng nghề nói chung và nghề làm mứt gừng Kim Long nói riêng trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.

Nguyễn Tuấn
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận