Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), thị trường bán lẻ với các mô hình hiện đại đã phát huy tốt vai trò tăng cường thương mại và dịch vụ, giúp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị tại Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản về tài chính, kỹ thuật công nghệ, chính sách, pháp lý,…
Trên thực tế, chi phí đầu tư ban đầu để kinh doanh siêu thị là không nhỏ, dành cho việc triển khai mặt bằng, đầu tư các tài sản cố định, xây dựng kho bãi và ứng trước một phần chi phí giá vốn cho các nhà cung ứng hàng hóa. Do đó, nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn dài hạn đủ lớn thì không thể kinh doanh trong lĩnh vực siêu thị.
Kinh doanh siêu thị là lĩnh vực không đòi hỏi cao về khoa học công nghệ nhưng lại cần trình độ quản lý tốt. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý cao như Vingroup, AEON, Metro, BigC khi gia nhập thị trường Việt Nam đều đạt được thành công lớn mặc dù là các doanh nghiệp mới. Sự thành công của những doanh nghiệp này chủ yếu do chiến lược kinh doanh đúng đắn, thương hiệu đã được khẳng định uy tín cùng với phương pháp quản lý hiệu quả.
![]() |
Việc mua sắm theo hình thức hiện đại không chỉ là thói quen dành riêng cho những người có thu nhập khá mà còn dành cho cả những người có thu nhập trung bình |
Về vấn đề chính sách, pháp lý, Chính phủ Việt Nam xây dựng không ít những văn bản quy phạm pháp luật khắt khe đối với các nhà kinh doanh siêu thị trên thị trường. Bởi Việt Nam là một thị trường bán lẻ hết sức tiềm năng với số lượng dân số lớn và nhu cầu mua sắm cao nhưng đây cũng là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, những chính sách pháp luật này ra đời nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các siêu thị, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Cục CT&BVNTD cho biết, trong các nghiên cứu về cạnh tranh cũng như các vụ việc cạnh tranh đã được điều tra thực tế, rào cản thị trường là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ cạnh tranh trên thị trường hiện tại cũng như trong tương lai. Rào cản thị trường càng lớn thì thị trường càng kém tính cạnh tranh và dễ nảy sinh các hành vi phản cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã và đang đón nhận nhiều luồng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ trên thế giới, có nhiều lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý... khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong nước tăng mạnh. Chính vì vậy, việc giám sát chặt chẽ hành vi của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường bán lẻ là hết sức cần thiết để kịp thời có biện pháp can thiệp, nhất là khi cấu trúc thị trường đang phân lớp rõ rệt và có sự hiện diện của các tổ chức hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.