Theo đó, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức khoảng 30 - 35 chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát công tác dự trữ, chuẩn bị, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường. Năm nay, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt gần 900 tỷđồng, tăng gần 12,5% so với Tết Mậu Tuất. Đối với thị trường các tỉnh miền núi, hàng hóa phục vụ sẽ chú trọng vào những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, các loại thịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ tươi, các mặt hàng nông sản khô, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát... Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thuận lợi để chuẩn bị nguồn hàng tết.
![]() |
Đưa hàng tết ra đảo Lý Sơn |
Theo dự báo của Sở Công Thương Quảng Ngãi, nhu cầu hàng hóa tết năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2018. Các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo phương thức hữu cơ trong nước được dự báo sẽ tiêu thụ mạnh... Hiện nay, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10 -15% so với các tháng trong năm để phục vụ thị trường tết; không để xảy ra tình trạng khan hàng, hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau tết. Quảng Ngãi cũng chỉ đạo công tác bình ổn thị trường tết phải gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Để người tiêu dùng, nhất là người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua được hàng chất lượng, đúng giá, trong dịp tết này, Sở Công Thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ tết tại nhiều điểm bán hàng di động, cố định, phiên chợ hàng Việt và hàng chục chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động khai thác nguồn hàng sản xuất theo quy trình hữu cơ tại các trang trại, nhà vườn.
Đặc biệt, Quảng Ngãi rất chú trọng đến việc cung ứng hàng hóa cho các huyện đảo. Ngay đầu tháng Chạp, người dân huyện đảo Lý Sơn đã tranh thủ mua hàng tết chở ra đảo. Mặt hàng được chở ra nhiều nhất thời điểm này là các loại cây cảnh. 2 - 3 năm gần đây, người dân đảo Lý Sơn thích chơi cây cảnh mini trong mấy ngày tết. Tuy nhiên, cây cảnh là một trong những mặt hàng khó vận chuyển trên tuyến giao thông thủy nên thương lái phải chủ động đưa hàng về từ đầu tháng Chạp để hạn chế hư hại do thời tiết. Bên cạnh cây cảnh, các mặt hàng bánh kẹo cũng được các cơ sở kinh doanh chủ động đưa ra đảo. Hiện nay, lượng bánh kẹo tại một số siêu thị mi ni trên đảo Lý Sơn đã tăng 50 - 70%. Trong đó, bánh kẹo nội do các doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất chiếm ưu thế.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các tàu vận tải hàng hóa trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn hoạt động hết công suất đưa hàng tết ra đảo. Trung bình mỗi ngày có 3 chuyến tàu vận tải chở hơn 100 tấn hàng tết ra huyện đảo Lý Sơn. Ngoài các mặt hàng khô, rau củ quả, thực phẩm tươi sống, gia súc gia cầm cũng được chuyển ra đảo khá sớm. Ban Quản lý cảng Lý Sơn cũng đã phối hợp với các cơ quan để chủ động tăng cường các phương tiện vận tải. Đồng thời, bố trí neo đậu, cập cảng, bốc vác hàng đảm bảo cho các tư thương, các chủ phương tiện phục vụ nhu yếu phẩm trên đảo cho bà con trong dịp tết được đảm bảo, không để thiếu một mặt hàng nào.