ASEAN: Khu vực đầu tư “nóng” nhất châu Á

Các nhà đầu tư châu Âu và Nhật Bản đang tích cực đổ tiền vào khu vực ASEAN, hướng tới tầng lớp người tiêu dùng trung lưu mới nổi của khu vực này. Tuy nhiên, đây không phải là con đường bằng phẳng mà còn có vấn đề gia tăng tiền lương, các rủi ro chính trị và kinh doanh đang khiến các công ty phải đau đầu.

Trong một báo cáo mới đây, Tập đoàn tài chính PwC đã nhấn mạnh tiềm năng của Đông Nam Á có thể trở thành “trung tâm cho sự thành công của một loạt các công ty toàn cầu và Nhật Bản”. Theo báo cáo này, với tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng vượt Trung Quốc và lực lượng dân số trẻ, ngày càng được đào tạo, thì ASEAN hiển nhiên là thị trường hấp dẫn.

Kể từ khi thành lập năm 1967, ASEAN đã phát triển và chiếm tới 8,8% dân số thế giới, là nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới. Khối 10 quốc gia này được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 5,6% đến năm 2019, trong đó dẫn đầu là Philippines (12,3%), Lào (11,8%), Myanmar (10%) và Malaysia (9,4%); trong đó Indonesia, Malaysia và Philippines là ba nền kinh tế lớn nhất khối. Cũng theo báo cáo của PwC, chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng lên 45% trong giai đoạn 2013-2020 và mức tăng lớn nhất thuộc lĩnh vực truyền thông (62%), giáo dục (59%), khách sạn/ăn uống (51%) - tạo cho khu vực này trở thành thị trường tiêu dùng khoảng 2 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Tỷ lệ dân số trung lưu toàn cầu của châu Á cũng sẽ tăng từ 30% hiện nay lên hơn 50% với số lượng các hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng năm vượt quá 10.000 USD sẽ đạt gần 64 triệu hộ vào năm 2020 (theo ước tính của Cơ quan nghiên cứu Euromonitor International).

\"\"
Việt Nam được coi là \"điểm đến\" của các nhà đầu tư châu Âu

Các nhà đầu tư châu Âu là những người nhanh nhất trong việc nắm bắt tiềm năng của ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào đây là 75 tỷ USD từ năm 2011 đến 2013, sau đó là Nhật Bản với 56 tỷ USD, Hoa Kỳ 24 tỷ USD, Trung Quốc 22 tỷ USD. Singapore là nước đi đầu trong tiếp nhận đầu tư, sau đó 5 quốc gia ASEAN khác là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines nhận các phần đầu tư còn lại.

Sự quan tâm mới của Nhật Bản ở ASEAN được thể hiện bằng sự gia tăng 120% trong đầu tư Nhật Bản, đạt gần 24 tỷ USD, bao gồm đầu tư vào sản xuất ôtô và ngân hàng. Ngược lại, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm 1/3 xuống 9 tỷ USD trong bối cảnh tiền công ở Trung Quốc tăng cao, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và các mối quan hệ chính trị đang xấu đi.  Báo cáo của PwC cho biết, ít nhất 58% FDI của Nhật Bản được chảy trực tiếp vào bốn nền kinh tế lớn nhất ASEAN, cao gấp hai lần so với đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc, khiến Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Thái Lan và Indonesia, nhà đầu tư lớn thứ hai ở Philippines và Malaysia. Xu hướng này sẽ không diễn ra trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đầu tư vào ASEAN không phải là “con đường trải toàn hoa hồng”. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2015 về mức độ thuận tiện cho kinh doanh đã xếp hạng Singapore đứng hàng đầu, nhưng Malaysia xếp thứ 18, Thái Lan thứ 28, Việt Nam thứ 78, Philippines thứ 95 và Indonesia thứ 114. Trong khi việc mở chi nhánh hoặc trụ sở ở Singapore hiện đại nhất có thể chỉ gặp vài thách thức, sau đó là vấn đề tập quán kinh doanh với sự khác biệt về văn hóa, thông lệ kinh doanh, logistics và các trục trặc tiềm năng có thể làm cho một dự án đầu tư tốt trở nên khó khăn. Bên cạnh đó là sự bất ổn chính trị của ASEAN, như Thái Lan đã có 15 cuộc đảo chính trong vòng 33 năm. Việc tăng tiền lương được liệt kê là mối quan ngại của hơn 70% công ty Nhật Bản. Đứng đầu là Indonesia tăng 17% tiền lương bình quân so với năm tài khóa 2014, sau đó là Việt Nam tăng 11%. Tham nhũng, thiếu hụt nhân công, rủi ro chính trị và pháp lý, cơ sở hạ tầng nghèo nàn cũng được xem là các thách thức, mặc dù mức độ khác nhau trong khu vực…

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng báo cáo của PwC cũng chỉ ra rằng, những doanh nghiệp đang thành công ở châu Á đã đến đây từ 15 năm trước và đã thực hiện nhiều kế hoạch kinh doanh, đầu tư. Vì vậy, cùng với các doanh nghiệp trong nước sở tại, họ là những nhà cạnh tranh lớn trên thế giới.

Làn sóng đầu tư hiện nay có giá trị quan trọng để đạt được các lợi ích kinh tế của ASEAN cũng như giúp khoảng 750 triệu người châu Á thoát nghèo. Châu Á vẫn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới và sự gia tăng đầu tư của ASEAN có thể đảm bảo cho động lực này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN
Vận hành AEC, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN
Trần Thị Tuyết Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận