Chú trọng vào lĩnh vực ưu tiên
Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có trên 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu là sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử… Các doanh nghiệp này không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách mà còn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy lớn |
Với mong muốn phát triển CNHT thành ngành chủ lực, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như: Nghị quyết số 57/2016 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc… Trong đó, với Quyết định 23/2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia phát triển CNHT. Cụ thể như, hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối CNHT; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT…
Đại diện Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết, sau khi các cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành, Sở Công Thương đã tiến hành rà soát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất CNHT trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ít quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, mà chủ yếu quan tâm đến chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, giá thuê mặt bằng... “Do đó, đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được hưởng cơ chế hỗ trợ, dẫn đến chính sách chưa phát huy được hiệu quả”- đại diện Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết.
Xác định ngành mũi nhọn
Để ngành CNHT của Vĩnh Phúc phát triển, cần có những định hướng lâu dài; đồng thời có nguồn kinh phí dự kiến cho việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp CNHT. Theo đó, Vĩnh Phúc đang tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù, tạo môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNHT, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, tạo động lực mới đưa nền công nghiệp và kinh tế của tỉnh phát triển.
Trong đó xác định các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ôtô, xe máy, linh kiện điện tử, các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... là công nghiệp mũi nhọn, trên cơ sở đó hướng tới mục tiêu đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy lớn...
Ðây chính là những giải pháp căn cơ để bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành CNHT, từ đó, tạo nền tảng quan trọng giúp ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, CNHT của địa phương sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển CNHT, hướng tới mục tiêu đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. |