VEAM - “Tính kế” cho tương lai

Đổi mới sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh tái cơ cấu, tiếp tục là những mục tiêu của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) trong những tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn cuốc sống, sinh hoạt của người dân tại nhiều tỉnh trong cả nước. Các doanh nghiệp có vốn góp của VEAM cũng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Việc phải thực hiện cách ly xã hội trong thời gian dài khiến các Công ty gần như không thể sản xuất kinh doanh trong quý II và III của năm 2021. Điển hình như: Cơ khí An Giang, SVEAM phải tạm dừng sản xuất từ tháng 7/2021 theo quy định phòng chống dịch của địa phương, trong khi một số doanh nghiệp khác phải tổ chức cho CBCNV ăn, ở, làm việc tại chỗ như: Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Chính xác số 1, Đúc VEAM.

VEAM - “tính kế” cho tương lai
Lắp ráp ô tô tại nhà máy ô tô VEAM

Bên cạnh đó, giá cả hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng đã tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận và hiệu quả sản xuất kinh doanh của VEAM cũng như các công ty có vốn góp VEAM, nhiều công ty con khó đạt kế hoạch năm 2021 do sản lượng và doanh thu giảm mạnh trong quý III. Các công ty liên doanh cũng có doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty con có vốn của VEAM tham gia trong chuỗi cung ứng các dịch vụ và sản phẩm phụ trợ. Cùng với đó, công tác tiêu thụ sản phẩm là ô tô VEAM và máy nông nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Xác định đại dịch Covid-19 còn tiếp tục ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo, nhiều giải pháp nhằm “nâng cao sức đề kháng” cho Công ty mẹ VEAM cùng các công ty con đã được Ban lãnh đạo VEAM đề ra.

Theo đó, công ty mẹ xác định phải khẩn trương xây dựng đề án “Hợp tác sản xuất VEAM” cùng các quy chế, chính sách hỗ trợ trong việc hợp tác sản xuất giữa các đơn vị có vốn góp VEAM để định hướng kết nối, tận dụng năng lực các đơn vị, tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời triển khai các phương án giải quyết hàng tồn kho thông qua các hình thức như đấu giá, tìm kiếm mở rộng khách hàng…

VEAM - “tính kế” cho tương lai

Đồng thời đẩy mạnh việc cải tiến, nâng cao hiệu quả các sản phẩm hiện tại, những sản phẩm không có lãi sẽ ngừng sản sản xuất; chuyển hướng sang các sản phẩm có hiệu quả, sản phẩm mới… bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhằm mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho các công ty con.

Đặc biệt, công tác tái cơ cấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của VEAM trong thời gian tới. Hiện VEAM đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu VEAM để xây dựng Đề án tái cơ cấu VEAM gồm các chi nhánh, các đơn vị có vốn góp của VEAM với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh và phù hợp với xu thế phát triển thị trường. Theo đó, VEAM sẽ sắp xếp điều chỉnh mô hình, định hướng ngành nghề, sản phẩm chủ lực, cơ cấu lại vốn tại các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết. Song song với đó là xem xét, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, lộ trình thoái vốn VEAM tại các đơn vị công ty hoạt động không có hiệu quả hoặc không nằm trong định hướng ngành nghề của VEAM…

3 tháng cuối năm 2021, mục tiêu mà VEAM đặt ra cho công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết là: Giá trị sản xuất phải đạt 1.014 tỷ đồng (tương ứng 30% kế hoạch năm 2021), tổng doanh thu đạt 1.914 tỷ đồng tương ứng với 38% kế hoạch năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 5,4 triệu USD tương ứng với 15% kế hoạch năm 2021.
Hường Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận