Ứng phó với chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ: Doanh nghiệp cần nghiên cứu thông tin

Doanh nghiệp phải có nghiên cứu thị trường, đặc biệt là luật liên bang và luật riêng của các tiểu bang từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, chiến lược sản phẩm phù hợp để ứng phó với các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ.
\"\"

Thị trường lớn cho hàng Việt

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ do Bộ Công Thương vừa tổ chức sáng nay (18/5), tại TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, sự kiện này sẽ cung cấp thông tin, cập nhật tình hình chính sách, đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp để giúp định hướng cho doanh nghiệp (DN) xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Hoa Kỳ một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2018 có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Công Thương, các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các hiệp hội và cộng đồng DN sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định ở mức cao.

Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (là năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ. Từ hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính này.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ hiện đang áp dụng nhiều chính sách thương mại mới, tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

“Thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Cũng tại đây, ông Tim Linston  – Phó Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ, phát triển quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian qua đã góp phần vào sự gia tăng lợi ích của DN hai bên. “Việt Nam là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư hiệu quả cho các DN Hoa Kỳ nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, thành phố thông minh, giáo dục...” - ông Tim Linston khẳng định.

\"\"
Doanh nghiệp trao đổi thông tin bên lề diễn đàn

Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Từ phía các DN cũng cho biết, trong bối cảnh hội nhập toàn diện hiện nay, các chính sách bảo hộ thương mại là khó tránh khỏi. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng, xu hướng bảo hộ ngành thủy sản trong thời gian qua cũng cần nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau, ở khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực. Tuy nhiên, các DN thủy sản đã và đang kiên trì đi theo mục tiêu của mình đó là nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối. “Dù chính quyền Hoa Kỳ có bảo hộ thương mại thì người mua hàng vẫn cần những sản phẩm chất lượng với giá cạnh tranh” - ông Hòe nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng cho rằng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cần quan tâm phát triển thương mại bền vững, công bằng, đưa vấn đề giải quyết các tranh chấp tại WTO một cách thấu đáo trong sự phối hợp chặt chẽ của DN và các bộ ngành liên quan. Các DN cũng cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để thể hiện rõ thiện chí, năng lực của mình trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hộ thương mại.

Các DN xuất khẩu cũng có nhiều cách tiếp cận thị trường Hoa Kỳ như thành lập DN ngay tại thị trường Hoa Kỳ, thuê nhân viên người Hoa Kỳ có kinh nghiệm bán hàng cho các hệ thống phân phối Hoa Kỳ, có sự lựa chọn hệ thống phân phối cho phù hợp ngay tại thị trường này.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trường Đỗ Thắng Hải đánh giá cao định hướng phát triển của nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam khi đã xác định được chiến lược đúng đắn để tìm kiếm cơ hội ở những phân khúc thị trường phù hợp, từng bước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang thị trường Hoa Kỳ và nhiều thị trường khác.

Đây cũng là nền móng vững chắc để các DN Việt Nam khác mạnh dạn đầu tư, xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội trên thị trường thế giới. “Bộ Công Thương khuyến khích các DN Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, thông qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ DN trong tiến trình này. Bên cạnh đó cũng mong muốn và kêu gọi DN chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ các máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp, phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ngọc Thảo - Nguyễn Phượng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận