TP. Hồ Chí Minh tìm hướng vực dậy các ngành sản xuất công nghiệp

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh đang có sự suy giảm rõ rệt trong 2 tháng đầu năm 2020 bởi tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Để vực dậy các ngành này, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ lực nhằm đưa ra những phương án hỗ trợ kịp thời.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố gồm: Chế biến thực phẩm - đồ uống, hóa chất - cao su - nhựa, cơ khí, điện tử đã sụt giảm 3,21% trong 2 tháng đầu năm nay (cùng kỳ tăng 6,46%). Nguyên nhân suy giảm chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, sản xuất khó khăn.

tp ho chi minh tim huong vuc day cac nganh san xuat cong nghiep
Ngành chế biến lương thực thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh sụt giảm do tác động của dịch Covid-19

Trong số các ngành kể trên, sản xuất cơ khí bị ảnh hưởng nặng nhất khi chỉ số IIP 2 tháng giảm 7,40% (cùng kỳ tăng 1,26%). Với ngành này, Hiệp hội Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đơn hàng tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp đã bị giảm đáng kể do sức mua giảm ít nhất 15%; trong khi đó tại thị trường xuất khẩu nhiều khách hàng hủy hoặc giảm đơn hàng đã khiến tồn kho tăng.

Tương tự, chỉ số IIP 2 tháng của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống cũng giảm 6,98% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,79%). Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm giảm 9,85% so cùng kỳ. Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho hay, do học sinh nghỉ học kéo dài, cùng tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, dẫn đến các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn giảm số lượng đặt hàng, kéo theo lượng bán ra giảm so cùng kỳ.

Cũng như thực phẩm, sản xuất đồ uống đã ghi nhận sụt giảm 1,99% so cùng kỳ do tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019. Thậm chí các chuyên gia còn đánh giá sản lượng đồ uống có thể giảm sâu ở các tháng tiếp theo.

Riêng ngành hóa chất - cao su - nhựa dù chỉ giảm nhẹ 2,65% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,72%) nhưng ngành này cũng cho thấy nếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ khó điều chỉnh kịp thời hoạt động khi thị trường nước này biến động.

Trước khó khăn trong sản xuất, các doanh nghiệp đề nghị thành phố sớm có giải pháp hỗ trợ, trong đó chủ yếu là hỗ trợ về nguồn vốn để họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu nên rất cần thành phố hỗ trợ giãn nợ, giãn quay vòng lãi suất để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn biến động. Bà Chi đề xuất, nếu được, thành phố có thể tính đến giải pháp miễn thuế cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ghi nhận những vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tăng cường tiếp xúc, làm việc với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo điều phối nguồn hàng. Cụ thể là làm việc tại cơ sở của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghiệp chủ lực; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các hội ngành nghề để nắm bắt thông tin, nhu cầu cần hỗ trợ.

Mai Ca
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận