![]() |
TP. Hồ Chí Minh sẽ hình thành ít nhất 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam |
Theo quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 8,55-11,53%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, từ năm 2021-2025 tăng trưởng 10,89-14,02%, từ năm 2026-2030 tăng trưởng 6,82-9,06%/năm. Thành phố sẽ thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp doanh nghiệp (DN) bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh để đến giai đoạn 2025-2030 sẽ có ít nhất 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Trước nay, hoạt động của ngành bán lẻ dựa vào Quyết định 17 của UBND thành phố (quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn 2009-2015). Vì vậy, quy hoạch tổng thể ngành thương mại lần này sẽ cung cấp những dữ liệu cơ bản để DN tham khảo cũng như định hướng phát triển.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, 10 năm qua, tăng trưởng bán lẻ của thành phố khá tốt nhưng xu hướng phát triển thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành và đã bộc lộ một số hạn chế, buộc phải quy hoạch lại. Hiện tại, thành phố có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi, chiếm 21% ngành bán lẻ. Theo mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60% ngành bán lẻ.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu đồng thời khuyến khích DN đầu tư các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân vùng ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư nhằm đẩy lùi hình thức kinh doanh tự phát. Thành phố cũng khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.
Dự kiến, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Trong đó, nguồn lực chính phát triển ngành thương mại sẽ huy động chủ yếu từ khối dân doanh.
Ngoài ra, thành phố hình thành mạng lưới trung tâm logistics trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối trong nội thành; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành và xuất nhập khẩu. Triển khai mở rộng kết hợp xúc tiến đầu tư Trung tâm hội chợ - triển lãm Sài Gòn, khu phức hợp Trung tâm hội chợ - triển lãm Thủ Thiêm, Trung tâm hội chợ - triển lãm Hiệp Phước đáp ứng nhu cầu mở rộng giao thương quốc tế, đưa thành phố sớm trở thành trung tâm giao dịch thương mại quan trọng khu vực Đông Nam Á.