Chợ truyền thống cũng lao đao vì COVID-19 |
Chợ vắng, giá giảm
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1… trong ngày 5/5 cho thấy, lượng người đi chợ thưa thớt, chỉ có một vài khách hàng ghé mua một số nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau…
Tại chợ Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), lượng hàng hóa dồi dào, song lượng khách vắng vẻ, người bán nhiều hơn người mua. Bà Trần Thị Thúy - một tiểu thương bán rau tại chợ Hiệp Bình Chánh - cho biết, mặc dù thành phố đã nới lỏng các quy định cách ly xã hội, song người dân vẫn khá dè dặt trong mua sắm. Hiện lượng người tới chợ có nhiều hơn so với thời điểm cách ly song vẫn rất vắng. Thêm vào đó, dịp lễ vừa qua, người dân về quê và đem thực phẩm lên nên hôm nay bán chậm. Trong 4 ngày qua, lượng rau, quả chị Thúy bán chỉ bằng khoảng 50% so với thời điểm trước cách ly. “Mặc dù đã giảm lượng hàng xuống còn khoảng 70% so với trước đó, giá bán cũng giảm 20-30% tùy mặt hàng, nhưng buôn bán vẫn chậm, hàng bán tới chiều vẫn chưa hết”, bà Thúy buồn rầu chia sẻ.
![]() |
Hậu cách ly, chợ truyền thống vẫn vắng vẻ. |
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), nhiều sạp hàng như quần áo, giày dép, các quầy hàng ăn uống vẫn đóng cửa. Trong chợ, chỉ còn những sạp hàng tươi sống như thịt, cá, rau, củ, gạo, dầu ăn… Hàng hóa dồi dào, nhưng vắng khách nên giá cả giảm mạnh. Cụ thể, giá cải ngọt, cải xanh, cà rốt, dưa leo chỉ 13.000 - 15.000 đồng/kg, rau thơm các loại 25.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 26.000 đồng/kg. Các lại cá như điêu hồng 55.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 65.000 đồng/kg, cá thác lác 200.000 đồng/kg.
Thậm chí, một số loại trái cây đang vào mùa như nho cam, xoài, bưởi còn giảm giá sâu. Điển hình như, giá xoài keo, xoài ba màu khoảng 10.000 đồng/kg; xoài cát chu 20.000 - 25.000 đồng/kg, bưởi 20.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại.
Bà Nguyễn Thị Tâm - Tiểu thương bán rau củ tại chợ Bà Chiểu - cho biết: “Mọi thực phẩm thiết yếu vẫn rất dồi dào, phong phú. Khách vắng hơn nên có cảm giác chợ cũng... trật tự hơn". Giá các mặt hàng đều ổn định. Nhiều tiểu thương chia sẻ, lượng hàng về chợ nhiều, không lo thiếu, nhưng nhiều người hạn chế ra ngoài nên lượng khách đến mua rải rác trong ngày.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại chợ Bến Thành (quận 1) vì thế mà tới nay lượng hàng, quán mở cửa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, các khu vực như hàng quần áo, hoa, đồ khô, mỗi khu chỉ có 4-5 cửa hàng mở cửa. Tương tự, tại khu ẩm thực hàng trăm quầy hàng cũng đóng cửa gần hết, một số quầy mở cửa thì không có khách. Đặc biệt, hàng loạt sạp treo biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng.
Tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, ban quản lý chợ cho biết lượng hàng lẫn hoạt động kinh doanh đang dần ổn định trở lại. Ông Lê Văn Tiển - Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - cho biết, mặc dù so với hồi đầu tháng 4/2020, hoạt động kinh doanh tại chợ đã dần ổn định trở lại song sản lượng đã giảm khoảng 300 tấn/ngày so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối Thủ Đức, trung bình có khoảng hơn 2.700 tấn rau củ quả, trái cây nhập chợ, giá hầu hết mặt hàng được giữ ổn định. Nhiều mặt hàng rau như đậu cô ve, rau muốn, cải bẹ xanh… do lượng hàng ít nên giá bán tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Các mặt hàng trái cây như xoài, dưa hấu, sầu riêng… giảm mạnh từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, và ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Tiểu thương tìm cách “sống sót” qua mùa dịch
Trước tình hình ế ẩm tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương đã chuyển qua bán online. Bà Lê Thị Vi - Tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) - cho biết, do lượng người tới chợ giảm mạnh tới 70 – 80% so với trước khi có dịch nên bà Vi đã phải xoay sang bán online trên trang facebook cá nhân của mình. Bên cạnh việc bán trên facebook bà Vi còn đăng bán trên các fanpage của các chung cư, nhờ đó lượng hàng mỗi ngày lấy về đều bán hết, không bị tồn hàng.
Tương tự, bà Mai Thị Lệ - Chủ một sạp hàng rau quả, trái cây tại chợ Bình Triệu (quận Thủ Đức) cho biết, từ tháng 4 đến nay, lượng người tới mua hàng trực tiếp tại sạp rất ít nên bà Lệ đang phải học bán hàng online. “Trước đây, bán hàng trực tiếp cho khách khá đơn giản, sáng thì dọn hàng ra, tối dọn vào. Tuy nhiên, khi bán online thì phải chụp hình sản phẩm, nhắn tin trả lời khách hàng rồi đóng gói hàng, đi giao… nên khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Chúng tôi mong muốn, dịch bệnh sớm qua để có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước”, bà Lệ chia sẻ.
Bên cạnh sự nỗ lực của các tiểu thương, hiện TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện rà soát để miễn, giãn thuế cho tiểu thương gặp khó do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đó, giảm thuế với những hộ kinh doanh thuế khoán có doanh thu giảm 50% trong năm. Đồng thời, kiến nghị lên Bộ Tài chính, Chính phủ về việc cho điều chỉnh giảm thuế với các hộ kinh doanh có doanh thu giảm dưới 50%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay từ 1%-3% so với lãi suất vay thông thường.