Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Sáng ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các thành viên Tổ công tác đặc biệt đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt là giải pháp hết sức nhanh chóng, kiên quyết, kịp thờiTổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương phối hợp giải quyết nhanh các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa

Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Tổ Công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT, đại diện các Sở ngành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của UBND TP.Hồ Chí Minh, đến nay, thị trường hàng hóa thiết yếu tại Thành phố cơ bản đã dần ổn định trở lại, nguồn cung hàng hóa được cải thiện. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác cung ứng các hàng hóa thiết yếu như: Ngoài các điểm bán hàng của các hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thành phố đã mở rộng được chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa tại nhiều điểm bán hàng như: Hệ thống Pharmacity, Con Cưng, Guardian…; tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động, chuyến xe lưu động của Viettel Post, VN Post, siêu thị Aeon và một số hệ thống phân phối khác, giúp đưa hàng đến các khu vực bị phong tỏa. Các sàn thương mại tại TP Hồ Chí Minh cũng hoạt động rất hiệu quả trong việc cung ứng các mặt hàng rau củ với sản lượng lớn; Ban hành văn bản quy định các hệ thống phân phối được mở lại sau 2 ngày vệ sinh khử khuẩn, mở lại kho dự trữ hàng bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ sau khi vệ sinh khử khuẩn…; hỗ trợ về nhân lực, phương tiện vận tải cho các hệ thống phân phối hàng thiết yếu trên địa bàn.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đánh giá, nhiệm vụ cung ứng hàng hóa rất quan trọng và kiến nghị các Bộ cần khảo sát để xem xét cho hoạt động một phần chợ đầu mối Bình Điền vì chợ đầu mối này không chỉ là nơi cung ứng thực phẩm cho riêng thành phố mà còn góp phần lưu thông cho nông sản các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, để việc cung ứng hàng hóa cho người dân được đảm bảo, bà Thắng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ về việc tạo điều kiện cho những lao động trực tiếp tham gia vào việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, trong đó có các tiểu thương kinh doanh tại chợ, được ưu tiên tiêm phòng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đến nay, có 263 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho thành phố. Tuy vậy nguồn hàng tại các tỉnh đang bị ứ đọng do hệ thống chợ đầu mối của thành phố đóng cửa, dẫn đến tắc cục bộ. Vì vậy, thành phố nên xem xét cho một phần chợ đầu mối hoạt động lại, nhất là các khu thực phẩm thiết yếu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, dù hiện các hệ thống siêu thị đang rất nỗ lực kết nối với các địa phương, nhưng chỉ đạt khoảng 70% sản lượng so với hàng hóa lưu thông qua chợ đầu mối trước đây. Điều này khẳng định, việc mở lại chợ đầu mối rất quan trọng để giải quyết vấn đề cung ứng hàng hóa, không chỉ cho thành phố mà còn cho các tỉnh, thành khác ở phía Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực chủ động của TP. Hồ Chí Minh, nhất là ngành Công Thương, trong công tác bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong bối cảnh phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; thống nhất quan điểm, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, các chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống bị đóng cửa là nguyên nhân chính gây thiếu hàng cục bộ, giá một số mặt hàng tăng cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, cần cố gắng hạn chế ở mức thấp nhất việc xảy ra khan hiếm hàng hóa, tăng giá bất hợp lý; nếu xảy ra trường hợp này cần nhanh chóng khắc phục, xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: Về việc mở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, Bộ Công Thương đã có văn bản chính thức gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đối với các địa phương trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn tại Công văn số 5858/BYT-MT của Bộ Y tế. Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần sớm bố trí các địa điểm trung chuyển tập kết hàng hóa trong thời gian chợ đầu mối tạm thời dừng hoạt động, đồng thời sớm có phương án mở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống (chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu) với điều kiện bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định.

Đối với đề xuất tiêm phòng Covid-19 cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị ưu tiên tiêm cho nhóm đối tượng là người lao động tại các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã kiến nghị lên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cần làm rõ, hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg để tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả. Liên quan đến vấn đề vận tải, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Y tế, Quốc phòng... để thống nhất phương án phối hợp khi có tình huống xảy ra.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Thảo Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận