![]() |
Phải “nhanh” mới bắt kịp hội nhập!
Chiều cuối năm 2015, chúng tôi đến vùng nguyên liệu mía và Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Những xe mía chất đầy vẫn đều đặn hướng về nhà máy. Cổng vào nhà máy với tấm huy chương lớn và dòng chữ “ Nhà máy đường Lam Sơn – Đơn vị Anh hùng” toát lên truyền thống, khí thế lao động, sản xuất sục sôi, mạnh mẽ…
Được xây dựng, thành lập từ những năm 80, đến nay, sau 35 năm, Mía đường Lam Sơn với thương hiệu Lasuco được khách hàng, đối tác trong, ngoài nước tin tưởng hợp tác. Lasuco được nhiều khách hàng lớn như: Coca-Cola, Pepsi, Kinh Đô ký kết hợp đồng dài hạn, mua số lượng lớn… Với số vốn tài sản trên 2.500 tỷ đồng, hiện Mía đường Lam Sơn có 2 nhà máy sản xuất đường công suất chế biến 10.500 tấn mía/ngày, công nghệ sản xuất tiên tiến theo phương pháp trao đổi ion. Nhà máy nhiệt điện tái tạo năng lượng 33 MW sử dụng nguyên liệu từ bã mía, nhà máy sản xuất cồn công suất 25 triệu lít/năm, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sinh học 100.000 tấn/năm… Đặc biệt, công ty xây dựng và phát triển được một vùng nguyên liệu rộng lớn với diện tích ổn định trên 14.000 ha, giúp nông dân 112 xã, thuộc 11 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo. Cây mía đã trở thành chủ lực, cây làm giàu của hơn 30 vạn hộ nông dân với gần 1 triệu lao động.
Các con số không thể nói hết được những gian truân của Mía đường Lam Sơn để có được ngày hôm nay. Ông Tam mở đầu câu chuyện bằng một nhận định: “Ngành Mía đường đang rất khó khăn, khó từ 5 năm nay và bắt đầu xuống dốc từ năm 2010”. Theo ông Tam, mặc dù được nhà nước đưa vào ngành thiết yếu, nằm trong 10 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng vẫn chưa có những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững.
Không chia sẻ nhiều về khó khăn mà ngành Mía đường đối mặt, ông phân tích về nông dân – người trồng mía. Ông cho rằng, nhà máy không làm ra đường, chính nông dân mới là người làm ra đường. Nói vậy bởi lẽ từ khi dời chức Phó ty Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa về làm Giám đốc Nhà máy đường Lam Sơn năm 1988, ông đã trăn trở với việc này. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, được Bộ Nông nghiệp cho đi Úc tìm hiểu sản xuất mía đường nhưng khi về, nhìn vào thực trạng trong nước, ông nghĩ khó có thể làm được. Khi nông dân nước ngoài, đồng mía mênh mông mỗi hộ 400 – 500 ha, ở nước ta, nông dân chỉ vài ba sào. Do đó, ông đề xuất thành lập Hiệp hội Mía đường Lam Sơn, mời 53 hộ nông dân tham gia. Năm 1992, thấy mô hình Hiệp hội Mía đường Lam Sơn mà ông trình lên Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất tâm đắc và sau 3 năm hoạt động thí điểm, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập hiệp hội vào năm 1995.
Cũng với người nông dân, ông Tam nhớ lại khi về nhà máy thấy cán bộ chưa có quan điểm coi trọng nông dân. Ông đã cùng cán bộ xuống tận các địa phương “ba cùng” kiên trì thuyết phục bà con trồng mía. Đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, nông dân thiếu lương thực thì hỗ trợ, cho vay; soạn thảo giao ước, ký kết bao tiêu, đầu tư, ứng trước… để người dân yên tâm sản xuất. Những năm đó, ông đã có sáng kiến gắn chặt người nông dân với nhà máy. “Làm ăn với người nông dân muốn bền vững phải rõ ràng với họ về lợi ích, phải tin họ thì họ mới tin mình”- ông Lê Văn Tam đúc kết!.
Trở lại với những khó khăn, thách thức của ngành Mía đường đang phải đối mặt, ông Tam ngắn gọn: Sản xuất giai đoạn hội nhập rồi mà ruộng của ta còn như chiếu manh làm sao cơ giới hóa? Tích tụ ruộng đất khó, năng suất mía thấp, giá thành sản xuất cao. Nhớ lại ngày còn là Đại biểu Quốc hội (khóa IX, khóa X), khi gặp Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng có nhắc ông lưu ý về WTO, ông đã thấy lo. Nay, với TPP, ông thực sự lo lắng. “Ngành Mía đường phải chạy rất nhanh mới kịp”- ông Tam quả quyết.
Nông nghiệp công nghệ cao: Con đường tất yếu
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Tam khi nói đến việc Lam Sơn đang đầu tư vào Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Cuộc sống này phải có công nghệ cao, nếu không làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta sẽ “chết”. Chỉ có đầu tư công nghệ cao là hướng đi bắt buộc và đúng đắn”.
Ông Lê Văn Tam vui khi thấy nhiều đại gia đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. “Họ có tiền để đầu tư, có “sức” để chịu lỗ ban đầu nhưng rồi thị trường là của họ. Mà như thế tốt cho người tiêu dùng, cho xã hội”.
Ông Tam cũng khẳng định: Đến năm 2020, vùng này phải là vùng nông nghiệp công nghệ cao để chuyển giao cho nông dân. Người dân không bỏ cây mía, đây là mô hình “hợp sức” – mỗi hộ có từ 3 – 5ha mía kết hợp đầu tư sản xuất rau, quả công nghệ cao, phân kỳ thu hoạch, như vậy sẽ có nguồn thu lớn.
Xác định rõ hướng đi, ông Lê Văn Tam bắt tay vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác với các viện khoa học kỹ thuật trong nước, ngoài nước, nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp xây dựng Trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngay tại khu vực Lam Sơn – Sao Vàng. Sản xuất giống mía thuần chủng có năng suất, để cung cấp cho nông dân sản xuất lớn; sản xuất hoa, rau quả sạch chất lượng vì cuộc sống. Hiện công ty đang tập trung vào cây cam vàng xứ Thanh, rau hoa quả hữu cơ và nấm ăn xuất khẩu. Bên cạnh đó, các dự án tái tạo năng lượng từ bã mía, viên gỗ nén, sản xuất chế biến dược liệu, cơ giới hóa sản xuất mía sẽ dần hình thành… tất cả đều đã có trong tính toán, hoạch định.
Tâm huyết với cây mía, gắn bó cùng người nông dân, 30 năm qua, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam đã chèo lái con thuyền “Mía đường Lam Sơn” đạt được nhiều thành tích được ghi nhận. Quan trọng hơn, thành quả này ngày một phát triển, nhân rộng, tô thêm sắc thắm cho đất trời Lam Kinh. |