Thuỷ chung tà áo dài quê hương

“Thủy chung tà áo quê hương” - là nhan đề bài Podcast hôm nay, bài viết của tác giả - Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bài viết:

Trên tấm phản gỗ gia truyền ở hiệu may Đức Trạch, khi nào cũng bộn bề hàng chục tấm vải và những bộ áo quần đang may cắt dở dang. Không biết bao nhiêu thế hệ thợ thuyền đã nhỏ những giọt mồ hôi âm thầm, nhuốm vào từng thớ gỗ mịn óng, tưởng chừng có thể soi gương...

Sáng sớm, trên thành phố Lương Văn Can có một người khách lạ mang trong mình hai dòng máu Việt Pháp. Người mẹ Việt của bà đã mất sớm. Lớn lên trên đất Pháp, lấy chồng Pháp, lập nghiệp tại Pháp, bà Daniel hầu như chỉ còn mang máng nhớ đôi ba từ tiếng Việt. Trong số đó, may mắn sao, có hai chữ: "Áo dài".

undefined
Người phụ nữ Hà Nội trong tà áo dài xưa

Tuổi ngoại 50, về thăm quê ngoại, tìm đến hiệu may Đức Trạch trên phố Lương Văn Can, có lẽ bởi bà Daniel còn nhớ những câu chuyện của người mẹ xa xứ thuở sinh thời về Hà Nội trong vầng sáng nơi ký ức.

Đức Trạch, chính là hiệu may ta cổ xưa, do người làng Trạch Xá mở vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội.

Thoạt kỳ thuỷ, hiệu chưa có tên. Trong hiệu, nay còn lưu hai tấm phản gỗ lim dài rộng khác thường. Chúng choán gần hết lòng nhà, tím sậm màu quá vãng... Đó là chỗ mà ngày ngày hàng chục người thợ may cặm cụi ngồi khâu vá, đính khuy, thêu hoa cho những tấm áo dài, áo cánh, áo bông cho khách hàng Hà Nội và các vùng quê lân cận.

Năm tháng như nước chảy, song đọng lại nơi miền phù sa ký ức, vẫn là những kỷ niệm tươi xanh. Rời xa ánh đèn sân khấu lộng lẫy đã từ lâu, nhưng đôi vợ chồng nghệ sĩ Vũ Dậu - Ngọc Hướng vẫn trân trọng lưu giữ những chiếc áo dài biểu diễn và cả tấm áo cô dâu hoa xanh trắng của người vợ từng một thời nổi danh tài sắc. Những chiếc áo dài Hà Nội đã từng theo chân nghệ sĩ ưu tú Vũ Dậu cùng bao nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Huyên, Tường Vy, Lệ Quyên, Tuyết Thanh, Thuy Quỳnh, Hoàng Mỹ, bay sang khắp thế giới. Ngày ấy, hầu hết chúng đã được cắt may từ cửa hiệu áo dài Mỹ Hào nhỏ bé ở số nhà 82 phố Cầu Gỗ.

Ở tuổi xấp xỉ bẩy mươi, ông Mỹ Hào không nhớ nổi trong cuộc đời làm thợ, ông đã từng cắt may bao nhiêu chiếc áo dài, áo kép, áo cánh, áo bông cho người Hà Nội. Tuy nhiên, chúng không thể dừng ở con số hàng trăm ngàn. Khách hàng thuộc giới tiểu thương, phụ nữ bình dân cũng rất mến mộ tài danh của ông Mỹ Hào. Và không chỉ người Hà Nội, mà người đâu xa cũng tìm đến.

Mỗi ngày, từ xưởng thợ gia đình của ông Mỹ Hào, có khoảng 20 đến 30 bộ áo dài được ra đời. Vào vụ cưới hay giáp tết, nhà càng đông khách hơn. Ông Mỹ Hào có bí quyết nhìn người mà áng cỡ dáng áo. Người vai xuôi may khác kiểu người vai ngang, người béo mập may khác kiểu người gầy mảnh. Bởi vậy phần nách áo, nơi khó nhất, vẫn thường là vừa sát thân hình người khách, không mấy khi bị lệch lạc, dúm dó. Ông Mỹ Hào cắt áo, bà Mỹ Hào và các con may áo, đơm khuy, vắt vạt.

Đến nay, 3 - 4 người con trai con gái nhà ông Mỹ Hào vẫn nối nghề. Cửa hiệu chính giao cho cô con dâu Thanh Bình. Một người con trai mở cửa hàng áo dài mới mang tên Mỹ Sơn ở số nhà 92 cùng phố Cầu Gỗ. Cô con gái tên Thanh Nga mở cửa hàng ở phố Nghĩa Dũng. Các cửa hàng đều cũng khá đông khách. Ông Mỹ Hào tuổi cao, bệnh nặng, thường về quê Trạch Xá an dưỡng. Thi thoảng, ông mới trở ra Hà Nội, ngồi dựa cửa ngắm những dòng xe cộ vùn vụt chạy qua dãy phố Cầu Gỗ đông đúc chật hẹp.

Cả bốn thế hệ phụ nữ gia đình nhà tôi, từ bà ngoại, mẹ, tôi và con gái tôi đều đã may áo dài từ chính cửa hiệu của ông Mỹ Hào. Đến nay, tôi vẫn còn giữ lại một số tấm áo dài Mỹ Hào của cả bốn thế hệ trong bộ sưu tập gia đình. Xế nhà ông Mỹ Hào trên phố Cầu Gỗ, có hiệu áo dài của ông Mỹ Vinh. Ông Mỹ Vinh là cháu họ của ông Mỹ Hào. Hiệu may Mỹ Vinh cũng khá đông khách, đa phần là các phụ nữ trung niên trong khu phố cổ và phố cũ tìm đến.

Không chỉ riêng khán giả màn ảnh nhỏ, mà ngay cả đồng nghiệp trong giới truyền hình cũng trầm trồ thán phục vẻ đẹp của những tấm áo dài mà phát thanh viên Thu Vân thường mặc trong các buổi lên hình. Có lần, Thu Vân "bật mí": áo của Thu Vân không phải đã được may từ những cửa hàng nổi tiếng ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, hay từ những nhà may thời trang lớn, thường trưng tên trên các phương tiện thông tin quảng cáo ở Hà Nội. Những chiếc áo dài của Thu Vân và một số nữ đồng nghiệp trong Đài Hà Nội như Lệ Diễm, Thu Hiền, Quỳnh Hoa đã được may từ một cửa hiệu áo dài đơn sơ nằm trên phố Tạ Hiện, trong khu phố cổ. Đó là hiệu áo dài Xuân Đạm trên phố Tạ Hiện. Chủ cửa hiệu cũng là người làng Trạch Xá, và là em vợ của ông Mỹ Hào. Kém ông Mỹ Hào đúng một thập kỷ tuổi tác, và trước sau đều học nghề của ông chú họ Mỹ Thịnh trên phố Cầu Gỗ, song lúc ông Xuân Đạm ra nghề, lại là lúc đất nước đang lâm cảnh chiến tranh.

Phố Hà Nội vắng bóng áo dài

Mươi lăm năm trở lại lại đây, đất nước trên đà hưng thịnh. Hương sắc, tinh hoa của nền văn hóa truyền thống được khơi dậy và tỏa rạng. Cũng là lúc tay nghề của ông Xuân Đạm đạt tới độ chín. Trong cuộc sống gia đình, ông Đạm là người nghiêm khắc đến thành cứng nhắc, cẩn thận hóa thành khó tính. Trong nghề nghiệp, ông cũng vẫn giữ nguyên những tính cách hơi khác lạ so với nhiều người trong giới làm dịch vụ đời sống ở đô thị. Nhưng phải chăng, đó là cái duyên giữ khách kỳ lạ của người thợ lão luyện.

Xưa kia, ở mỗi làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, thường bao giờ cũng có một vài ông lang, bà đỡ, thầy đồ, phó mộc, phó rèn, phó may... để lo các dịch vụ cần thiết trong dân. Tương truyền, những ông phó may của làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nồi tiếng khéo tay và chăm chỉ, chịu khó.

Từ thời Lê - Trịnh, tiếng tăm của thợ may Trạch Xá đã vang xa tận kinh thành Thăng Long. Nhiều gia đình quan lại, thượng lưu nơi Kẻ Chợ đua nhau rước thợ Trạch Xá về nhà cắt may cho cả họ vào mỗi vụ giáp tết, hay lúc sắp có việc khao đãi, cưới xin.

Những lớp thợ Trạch Xá, trẻ ra Kẻ Chợ làm ăn, già lại về quê truyền nghề cho con cháu, giúp chúng nối bước lên phố lập nghiệp, ấy cũng là cái vòng sống đều đặn không mấy biến động giữa các làng nghề thôn quê với các phố nghề nơi thành thị từ bao đời.

Sang thời Nguyễn, người làng Trạch Xá lên Hà Nội phần lớn sống trong những ngôi nhà mặt sau khuất khúc của phố tơ lụa Hàng Đào sầm uất. Như thế, cốt để thuận tiện cho việc phục vụ khách khứa thị dân, khi họ đến mua vải vóc và đặt may áo quần. Sau Đức Trạch ở nhà số 6, thì Đông Trạch ở nhà số 20 phố Lương Văn Can cũng sớm nổi danh từ những năm đầu thế kỷ 20. Chủ hiệu là người họ Tạ. Cửa hàng Vạn Mỹ ở số 22 kế bên, cũng do một người họ Tạ đứng chủ. Trong vòng hơn ngót nửa thế kỷ, nhà họ Tạ có 5 anh em trai, 5 nàng dâu, thì trước sau đều theo nghề may ta.

Một ông thợ áo dài họ Tạ thuộc chi khác là ông Tiến Trạch thì mở cửa hàng ở 65 Phố Huế. Sau này, khi ông Tiến Trạch đến tuổi già yếu thì đã kịp truyền nghề cho ba cô con gái xinh đẹp. Đó là cô chủ hiệu áo dài Thanh Châu trên phố Mai Hắc Đế và hai người chị em gái ruột của cô là Hồng Anh trên phố Ngô Thì Nhậm, và Hồng Thanh trên Phố Huế. Các cô chính là thế hệ mới đang theo nghề áo dài truyền thống của làng quê với rất nhiều sự tiếp thụ những kiến thức thời trang áo dài hiện đại theo nhu cầu và thị hiếu của khách hàng Hà Nội thế kỷ XXI với những kiểu dáng áo dài đa dạng, phong phú song không hề làm mất đi những nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam.

Chẳng riêng nhà họ Tạ của ông Vạn Mỹ, ông Tiến Trạch, nhà họ Lê của ông Mỹ Hào, hay nhà họ Nghiêm của ông Xuân Đạm, hàng trăm gia đình làm nghề may y phục dân tộc ở rải rác trên các phố Hà Nội, hầu như đều có mối liên hệ ruột thịt, họ hàng, thông gia, láng giềng thân thuộc, có chung một xuất xứ, gốc gác và cùng gắn kết với nhau trong hội đồng hương Trạch Xá.

Trong ký ức những người Hà Nội sống vào thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cụ phó Dùi, người làng Trạch Xá nối danh là một ông thợ may tài khéo và đắt khách. Người ngày xưa may áo như thế nào? Khách chỉ cần đem chiếc áo cũ đến hiệu, ông thợ may Trạch Xá chỉ đo áo mẫu, rồi áng chừng khổ người bà khách béo lên hay gầy đi, mà gia giảm chút ít, thậm chí, khách không cần phải đến cửa hiệu, chỉ gửi áo mẫu là xong. Nhưng áo cắt lên thì thường rất vừa vặn, không mấy khi phải chữa chạy.

Được cái là người xưa vẫn thường may váy phòng lúc cả dạ, tức là khi mang bầu, nên không hay may sát khổ người như thời nay.Từ khi đất nước liền một dải, sau năm 1975, và nhất là trong thời kỳ kinh tế mở cửa, hội nhập, sau năm 1985, phong trào áo dài hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Đó là vận hội tốt cho phố Lương Văn Can, cho các gia đình thợ may y phục dân tộc Hà Nội và cho làng nghề Trạch Xá.

Thời gian vẫn như một dòng chảy không thể đổi ngược. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cụ Nguyễn Văn Ớt là một tay kéo sắc nước trên phố Lương Văn Can. Là người thuộc thế hệ thứ 5 trong một gia đình chuyên nghề may ta, hơn nửa thế kỷ nồi danh xa gần, cụ là chủ tịch hội đồng hương Trạch Xá ở Hà Nội. Ở tuổi 76, cụ Ớt đã trở về làng cũ nghỉ ngơi, chức chủ tịch hội đồng hương Trạch Xá trao lại cho ông Mỹ Hào ở phố Cầu Gỗ. Dưới mái nhà đơn sơ có dàn mướp hoa vàng rủ bóng, trong bộ quần áo nâu giản dị, mái tóc và đôi lông mày bạc trăng, nom cụ như một bậc chân tu thoát tục.

Các con trai gái đều thành thục trong nghề, đường kim mũi chỉ đã nghe liền lạc, mịn ềm. Dấu cũ vết xưa vẫn có cháu con trân trọng tiếp nối, cho người đời vẫn nhớ danh thơm làng quê Trạch Xá, Đồng tuế, đồng niền với cụ Nguyễn Văn Ớt, cụ Lê Văn Quảng đã có sau lưng 70 tuổi nghề, bởi cụ lên phố học việc từ năm lên 6 tuổi.

Trời thương, vẫn cho cụ sáng đôi mắt, vững đôi tay, xâu kim thoăn thoắt, lát kéo ngọt êm, đường may phẳng phiu. Dưới một mái hiên rộng, bên sân thóc mới gặt thơm hương nắng mới, cụ đang tỉ mẩn truyền nghề cho lũ cháu nội ngoại, những mong chúng nối nghiệp tổ tiên lâu dài.

Xa xưa, người Trạch Xá chỉ truyền nghề cho con cháu trong nhà, trong họ, hiếm khi để lọt đến người ngoài. Song lâu nay, làng nghề cũng hòa chung với dòng chảy rộng lớn của thời đại mới. Thị trường áo dài ngày một sôi động, bà Thuấn, chủ hiệu may Quỳnh Dao bên chợ Trương Định đã tìm đến học thêm nghề áo dài ở cụ phó Thuận trên phố Lương Văn Can, khi bà đã có thâm niên gần 40 năm trong nghề may trang phục thông dụng ở Hà Nội. Khi bà Thuấn đã thành đạt trong nghề áo dài, thì cụ phó Thuận cũng đến tuổi quy tiên. Nhưng từ đó, bà Thuấn vẫn giữ mối quan hệ chị em, bạn hàng, bạn nghề thân thiết với gia đình cô Bở, ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Cô là con dâu của cụ Thuận, và cũng chính là con gái cụ Ớt. Mỗi kỳ lễ tết, bà Thuấn không khi nào quên sang nhà thắp nén hương thơm tưởng nhớ ơn đức của người thầy quá cố tài khéo và nhân hậu. Bao năm say mê nghề áo dài, gắn bó thân thiết với người trong nghề, bà Thuấn như đã trở thành một người con của làng Trạch Xá Cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu ấn rõ nét nhất, đậm đà nhất của bản sắc mỗi dân tộc trên thế giới. Sau bao năm trăn trở suy ngẫm, hình như đã đến lúc chúng ta cần tới hình mẫu của những bộ quốc phục, lễ phục mang dấu ấn dân tộc Việt Nam. Ước sao, các nhà nghiên cứu, thiết kế mẫu sẽ chắt lọc được những nét đẹp tinh tuý, bền vững qua thời gian của bộ trang phục truyền thống, để thể hiện trong các sáng tác mới, nhằm đạt tới sự hài hoa giữa tính dân tộc và hiện đại.

Đúng ngày hẹn, phát thanh viên Thu Vân cùng người mẹ vốn là một nữ sinh cao đẳng sư phạm duyên dáng năm xưa, đến thử áo ở cửa hàng Xuân Đạm. Tác giả của những chiếc áo dài lần này không phải là người cha mà là cậu con trai ông, anh Xuân Dũng.

Năm nay, anh vừa bước qua ngưỡng tuổi tam thập, tam thập nhi lập. Lát kéo đường kim của anh dù đã rất thuần thục mà cũng vẫn khó có thể làm vừa lòng người cha, người thầy gần gũi mà rất khắt khe. Song mong cho con hơn cha, chẳng phải là tâm nguyện của riêng một nhà.

Năm 2004. Gia đình tôi chuyển nhà xuống làng Giáp Nhất quận Thanh Xuân. Hồi ấy khu vực này còn vắng vẻ lắm. Mỗi khi may áo dài, tôi vẫn phải tìm về khu phố cổ. Nhưng không lâu sau đó đã thấy xuất hiện một hiệu áo dài mới ở ngay phố Quan Nhân liền kề với Giáp Nhất. Thế nên việc may cắt áo dài với tôi, một tín đồ trung thành của áo dài lại trở nên quá thuận tiện. Hỏi ra thì anh chủ Minh Phương lại cũng chính là người quê gốc Trạch Xá.

Hiệu nhỏ ở phố hơi khuất nẻo, thế nên dù cắt may rất khéo nhưng anh cũng chỉ lấy công rẻ, chỉ bằng già nửa so với các hiệu may trên phố trung tâm Hà Nội. Sau này, anh Minh Phương đã trở thành thợ chuyên may áo dài đồng phục cho Đoàn thiện nguyện câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam chúng tôi. Vải đồng phục cứ giao cả súc cho anh, ai đến may áo thì anh đo cắt cẩn thận. Còn hết bao nhiêu chẳng phải lo tính đếm thiếu thừa như những nơi này nơi khác.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu mỹ thuật thời trang và các vị khách cầu kỳ có ý hướng phục cổ, muốn may một bộ áo dài theo đúng lối ngày xưa là áo 5 thân, vai liền, tay chắp, khuy tết thì cũng phải tìm về gia đình ông Thắng ở làng Trạch Xá. Ông Thắng cẩn thận rút chỉ chính những sợi lụa vải khách đem đến để khâu tay cho chính chiếc áo đó. Như thế để đảm bảo khi giặt là áo, áo không bị nhăn nhúm mà sẽ phẳng phiu vì chỉ may nào sẽ đồng bộ với lụa vải đó.

Trên tấm phản gỗ gia truyền ở hiệu may Đức Trạch, khi nào cũng bộn bề hàng chục tấm vải và những bộ áo quần đang may cắt dở dang. Không biết bao nhiêu thế hệ thợ thuyền đã nhỏ những giọt mồ hôi âm thầm, nhuốm vào từng thớ gỗ mịn óng, tưởng chừng có thể soi gương...

Tấm áo mà bà Daniel - Mactin đặt may đang ở những mũi kim chót cùng, gấp rút cho kịp ngày bà lên đường trở sang Pháp. Song trên tay anh thợ trẻ, những mũi chỉ vẫn đều đặn, mịn màng và óng nuột. Con người chỉ mang có nửa dòng máu Việt, sống xa đất Việt từ thuở còn trứng nước, sau nửa thế kỷ, vòng nửa trái đất quay về, ngóng chờ một tấm áo nơi quê mẹ, hẳn không chỉ để tránh ngăn những cơn băng giá của thiên nhiên khắc nghiệt phía trời xa.

Nội dung Podcast đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Thanh Thảo - Huy Hoàng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận