Thưởng mai mùa xuân

“Thưởng mai mùa xuân” là nhan đề bài Podcast của Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung. Kính mời quỳ vị cùng lắng nghe.

Bài viết:

Sự cuốn hút của hoa mai có lẽ đã bật lên từ sự tương phản, khác biệt lạ kỳ. Giữa thân hình mảnh mai, vóc dáng gầy guộc với sương gió lạnh lùng, giá băng khắc nghiệt. Giữa vẻ yếu đuối, mềm dịu bên ngoài và sự mạnh mẽ, quyết liệt bên trong. Giữa sức chịu đựng cùng cực với thế vươn lên hết mình. Hoa mai có lẽ là biểu trưng cao nhất cho sự đối chọi, mà cũng chính là sự hòà hợp tuyệt vời giữa chữ nhẫn và chữ dũng của cốt cách, tinh thần con người, trước cuộc đời bao bất trắc, gian nan mà cũng chứa chan hy vọng và niềm vui: Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên / Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên.

undefined
Hoa mai loài hoa mang niềm vui xuân sang, tết đến - Loài hoa mang màu nắng của đất trời phương Nam

Trăm hoa đều tàn tạ, duy chỉ có (hoa mai) hé nở, chiếm hết cảnh đẹp nơi vườn nhỏ. Đó chính là hai câu mở đầu của bài thơ thất ngôn bát cú mang tựa đề "Mai Hoa" của một nhà thơ nổi tiếng đời Tống. Nhà thơ Lâm Bô. Ông vốn là người tài trí hơn đời, nhưng ghét mùi tục luy, ghét cảnh bon chen chốn quan trường nên suốt đời chỉ ở ẩn trên núi Cô Sơn, coi mai là vợ, hạc là con. Nghệ thuật thưởng mai, không còn nghi ngờ gì, có xuất xứ chính là từ Trung Quốc. Khoảng 3000 năm trước, người ta đã nhắc tới mai, thoạt đầu như một thứ cây ăn quả trong dân gian. Sử sách Trung Quốc có ghi, vào thời Xuân Thu, ở đất Tây Chu, người dân đã biết trồng mai.

Ngôi nhà cũ kỹ của nghệ nhân Lê Quyết Bội nằm lọt trong làng hoa cổ Nghi Tàm bên sóng nước Hồ Tây. Góc hiên nhà có một cửa sổ nhỏ hình mặt trăng. Vào cứ xuân, ông thường đặt ở dưới chân tường bốn chậu cảnh quý. Đó là tùng, trúc, cúc, mai. Người xưa truyền rằng, đó là bộ cây Tứ Hữu, bốn người bạn thiết. Bởi chúng đều có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, như tình bạn bất chấp sự đổi thay của thế cuộc. Nhất là tùng, trúc, mai, còn được liệt vào bộ Tam Dũng, ba thứ cây có khả năng xanh tốt vượt qua sự khắc nghiệt của mùa đông giá lạnh. Mà đầu bảng vẫn là cây mai. "Tiên hưởng bách hoa đầu thượng khai" - Mai nở trước muôn hoa, đứng đầu bảng xuân. Mai được coi là biểu tượng của sự thanh cao, lòng cương trực và khí phách ngang tàng, bất khuất của các bậc chính nhân, quân tử, anh hùng, trượng phu. Nghệ thuật thưởng mai, theo thời gian, đã lan dần sang các nước phương đông, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa.

Từ thời nhà Lý, nhà thơ Mãn Giác Thiền sư đã có một bài thơ nổi tiếng nhắc tới hoa mai. Nguyễn Trãi vị anh hùng dân tộc, đệ nhất công thần triều nhà Lê từng ca tụng: Càng thuở già, càng cốt cách. / Một phen giá, một tinh thần.

Người đời yêu kính hoa mai bởi sự kiêu dũng, hiên ngang trước mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt, bởi hoa mai đem lại hương thơm thanh tao và sắc đẹp tuyệt mỹ. Và hơn tất cả, hoa mang lại cho thế gian linh hồn của mùa xuân.

Mai có rất nhiều chủng loại, ở Trung Quốc, có tới 230 loại mai. Riêng về màu sắc, được chia làm ba loại chính là hồng mai, hoàng mai và bạch mai. Ở Hà Nội, chi mai là giống mai trắng điểm hồng đã được lưu truyền qua nhiều đời. Bên hồ Tây, những làng hoa cổ truyền như Nghi Tàm, Nhật Tần vốn là xứ sở của chi mai.

Chi mai hay còn được gọi là Nhị độ mai, vì mỗi năm hoa thường nở hai lần. Cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần mỗi ngày trên đất Hà Nội càng thêm tươi mới, phong phú và đa dạng. Bởi vậy, ở làng đào Nhật Tân mấy năm gần đây, bên cạnh những luống đào rực rỡ, là vẻ đẹp trắng trong, dịu dàng của những vườn mai đang kỳ trổ bông.

Khác với giống đào ưa đất mới phù sa màu mỡ, giống mai không kén đất, không cần chăm bón kỹ càng. Duy nhất, mai chỉ cần được giữ ẩm vừa độ. Mai không chịu được úng ngập, úng ngập sẽ gây thối rễ mai. Mà bộ rễ là một phần vẻ đẹp chính yếu của cây mai. Công phu nhất của người trồng mai chính là tạo nên được những bộ rễ có hình dáng xù xì, gân guốc, cổ quái, ấy là cách để nhấn mạnh độ già cỗi của gốc mai. Người trồng hoa thoạt đầu trồng cả gốc mai xuống đất như các thứ cây thông thường. Chờ cho cây phát triển đến độ thích hợp theo ý nhà vườn, họ sẽ nhấc cây khỏi mặt đất và trồng lại ở độ sâu nhỏ hơn trước. Hoặc tìm cách bới đất cho rễ cây lộ thiên, rồi uốn tỉa cho thành các hình thế khác nhau. Nào Cửu long tranh châu, nào Bát tiên quá hải, nào Ngũ phúc lâm môn...

Sở dĩ người ta kỳ cầu tạo nên vẻ già cỗi cho mai, chính là vì chiều theo thị hiếu dường như là bất biến của người chơi mai tự cổ chí kim. Kỳ lạ thế, tiêu chuẩn của một cây mai đẹp thật khác xa so với muôn hoa. Có bốn tiêu chí để định giá vẻ đẹp của cây mai. Đó là người ta quý già chứ không chuộng non, quý mảnh chứ không ưa mập, quý thưa chứ không thích dày, và cuối cùng là quý nụ chứ không mong nở. Chính bởi vậy, người mê đào thì dù sớm thế nào cũng phải đợi tới qua rằm tháng chạp, mới có thể lên dinh chọn đặt cây cho tết âm lịch. Chính lúc ấy, người ta mới có thể xem nụ mà đoán hoa. Còn người yêu mai có thể lên vườn chọn mai từ dịp nhà vườn đang mùa tuốt lá, tức là từ tiết đông chí, giữa tháng mười một âm lịch. Khi ấy, cây mai đã chớm lộ vẻ đẹp của vóc dáng, hình thế. Mà vóc dáng, hình thế, đó mới chính là tinh thần, cốt cách của hoa mai.

Chốn nhân gian ngàn đời luôn vui ít buồn nhiều. Trong thập đại danh khúc cổ nhạc của Trung Hoa có tới bẩy bài mang âm hưởng buồn man mác hoặc buồn tới mức bi thiết, não nùng. Chỉ có 3 bài là có những đoạn mang âm hưởng vui vẻ, lạc quan, phấn khích. Trong đó có khúc "Mai hoa tam lộng". Có một giai thoại về

"Mai hoa tam lộng". Đó là câu chuyện về Nhân Hồng Hạo vào thời Nam Tống. Ông vốn là một người được sai đi sứ nước Kim nhưng rốt cuộc bị bắt lại mất hơn mười năm. Mười năm dài chờ đợi đằng đăng được hồi hương, mười năm sống trong sự uy hiếp rồi dụ dỗ của kẻ địch, tâm ông chẳng sợ, lòng dạ chẳng sờn, vẫn hiên ngang từ chối mọi ưu sách, ông một mực bảo trì phong thái cao thượng, coi nhẹ hư vô ở đời. Danh sĩ Cao Bá Quát, một bậc kỳ nhân quê ở làng Sủi (nay thuộc xã Phú Thụy, huyện Gia Lâm) là người tài ba, cao ngạo.

Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do ông lãnh đạo dù thất bại song vẫn để lại cho người đời tiếng thơm khí phách của một bậc chính nhân quân tử không chịu khuất phục trước cường quyền triều Nguyễn.

Tương truyền Cao Bá Quát đã để lại đôi câu thơ nổi tiếng: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. (Mười năm vất vả gian truân tìm kiếm cổ. Một đời chỉ cúi đầu bái lạy hoa mai).

Sở dĩ tôi chỉ dám viết hai chữ "tương truyền", bởi cũng có một thuyết khác cho rằng đôi câu thơ trên không phải do danh sĩ họ Cao sáng tác mà là của một nhà nho khác sống cùng thời. Nhưng dẫu sao đó vẫn là đôi câu thơ tuyệt hay về phẩm chất của người quân tử ngày xưa.

Ngẫm ngợi sâu xa thì sự cuốn hút của hoa mai có lẽ đã bật lên từ sự tương phản, khác biệt lạ kỳ. Giữa thân hình mảnh mai, vóc dáng gầy guộc với sương gió lạnh lùng, giá băng khắc nghiệt. Giữa vẻ yếu đuối, mềm dịu bên ngoài và sự mạnh mẽ, quyết liệt bên trong. Giữa sức chịu đựng cùng cực với thế vươn lên hết mình.

Hoa mai có lẽ là biểu trưng cao nhất cho sự đổi chọi, mà cũng chính là sự hòà hợp tuyệt vời giữa chữ nhẫn và chữ dũng của cốt cách, tinh thần con người, trước cuộc đời bao bất trắc, gian nan mà cũng chứa chan hy vọng và niềm vui: Cử đầu hồng nhật cận - Đối ngạn nhất chi mai. / Ngửng đầu mặt trời mọc - Bên suối một nhành mai.

Bài thơ "Thướng sơn" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đời vào thời khắc cách mạng Việt Nam đang đứng trước một bước chuyển lớn lao có lẽ đã không chỉ dừng ở tầng ý nghĩa văn chương, nghệ thuật, mà hơn thế, còn mang ý nghĩa tư tưởng, nhân sinh quan cách mạng sáng đẹp tuyệt vời.

Trong dân gian, nếu như giới thương nhân và người lao động bình dân tết đến thường thích chơi đào bích với sắc hoa đỏ tươi, nụ hoa đông đúc, cánh hoa dày dặn, ý cầu mong cuộc sống sung túc, đủ đầy, rực rỡ, ấm áp, thì giới trí thức, văn nghệ sĩ thường thích đào hồng phai và hoa mai trắng muốt, hầu gửi gắm tâm hồn phong nhã, hào hoa, coi thường những ước muốn trần tục đời thường. Hoa mai vì thế, như thể để dành riêng cho giới sĩ phu, trí giả, văn nghệ sĩ nghênh đón xuân sang.

Đôi vợ chồng nghệ sĩ sân khấu Hà Nội Kim Thanh - Vinh Mậu ngay từ thời trẻ đã cùng nặng lòng yêu hoa mai. Đối với họ, hoa mai là biểu trưng cho tình yêu thanh cao và bền chặt. Đứa con gái út của đôi vợ chồng nghệ sĩ được sinh ra với cái tên chọn sẵn: Mai Chi. Sau này, anh trở thành một tác gia sân khấu chèo, khán giả Hà Nội còn nhớ tới anh với vở chèo Vòng phấn Cap - ca - dơ, còn chị trở thành một nhà giáo ở khoa kịch nói trường nghệ thuật Hà Nội. Bao gian khó và bao thăng trầm trong cuộc đời, rồi cũng đã lùi lại phía sau. Giờ đây, cả hai vợ chồng đều đã ở cái tuổi đã rời xa ánh đèn sân khấu, lặng lẽ trở lại với đời thường. Thế sự xoay vần, nghề chơi lại có lúc trở thành nghiệp sống. Một cửa hiệu hoa cảnh ra đời trên phố Hoàng Hoa Thám, đã trở thành nơi tụ hội của giới tao nhân, mặc khách Hà Thành. Anh và chị lấy tên loài hoa mà họ yêu quý nhất mà đặt tên cho cửa hiệu của nhà, hiệu hoa cảnh Nhất Chi Mai.

Bận rộn quanh năm, tuy vậy, anh và chị vẫn giữ một phong thái sinh sống và ứng xử bình hòà, giản dị và cao nhã, như chẳng hề nhuốm mùi tục luy chốn thương trường. Mỗi thời khắc xuân vê, anh chị lại cùng chăm chút cho những chậu mai, chờ người đồng điệu. Cái nghiệp chèo anh dày công đeo đuổi, trải qua mấy khúc thăng trầm, giờ đang gặp vận hội hồi sinh, dù còn là mong manh, thắc thỏm, song cũng phần nào giúp cho anh vơi nhẹ nỗi trở trăn nghề nghiệp.

Ông xã tôi vốn là dân kinh doanh và công cuộc làm ăn cũng đã trải qua lắm khúc thăng trầm, có lúc rầm rộ nổi tiếng trên thương trường, rồi có khi đã hầu như mất hết cả sản nghiệp, để lại hệ lụy vô cùng nặng nề cho gia đình, vợ con, bầu bạn. Nhưng khi thoát vòng lao lý ở tuổi ngoại ngũ tuần, anh vẫn gắng gỏi đứng dậy bắt đầu một công việc làm ăn dù nhỏ lẻ chỉ bằng một phần trăm, một phần nghìn thời trai trẻ. Cốt là để khắc phục dần những hậu quả thất bại trong những năm tháng trước đó. Ông xã tôi cũng rất thích hoa mai trắng, có lẽ bởi đã một thời vốn từng theo học hàm thụ đại học tổng hợp văn trong thời gian anh là hạ sĩ quan biên phòng đóng quân tại Hà Nội. Tôi thì rất thích tích truyện dân gian Nhị độ mai. Cô con gái út của vợ chồng tôi cũng được đặt tên Hạnh Nguyên là đặt theo tên nàng công chúa trong tích truyện ấy. Ý là mong cho con vượt qua khổ nạn gia đình đến được cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp.

Năm nào bên cạnh quất đào vàng thắm, hồng rực trong phòng khách, vẫn là một gốc mai trắng thanh mảnh, dịu dàng. Cuối năm trước, ông xã tôi đã thanh thản về với cõi người hiền sau mấy năm trời kiên trì chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo. Tết đến, theo lệ cũ, tôi vẫn rước một gốc mai trắng về phòng khách và tạm bỏ thú chơi đào quất hằng niên. Gốc mai trắng năm ấy tự nhiên lại trổ hoa rạng rỡ khác thường. Một mình bên song cửa rộng mở chào đón nắng xuân, những cánh lá xanh non rung rinh bên những đóa hoa trắng tinh khôi. Thấp thoáng đan xen là những đốm nụ điểm màu hồng tươi rói.

Chợt nhớ câu thơ xưa của Mãn Giác thiền sư cách đây gần mười thế kỷ: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai)

Kính thưa quý vị, bài Podcast đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Thanh Thảo - Huy Hoàng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận