![]() |
Cổng phủ Tương, một di tích lịch sử còn lưu giữ được tại huyện Tương Dương |
Biến động về con số
Theo ông Vi Sắt Son, Trưởng phòng văn hóa huyện Tương Dương (một huyện miền núi cao Nghệ An), mặc dù về số lượng, các di tích hiện có trên địa bàn không nhiều tuy nhiên có nhiều di tích danh thắng được đánh giá cao và tiêu biểu như rừng Săng Lẻ, lòng hồ thủy điện, khu bảo tồn quốc gia Pù Huống.
Theo thống kê, hiện trên toàn huyện Tương Dương có 23 di tích danh thắng, trong đó có một di tích xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, theo phân cấp cũ, 3 di tích trực thuộc sự quản lý của huyện đó là đền Cửa Rào, vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát và Thủy điện Bản Vẽ và khu vực lòng hồ thủy điện. Số còn lại, các di tích trực thuộc sự quản lý của các xã. Cũng do đặc thù của địa bàn nên các di tích ở Tương Dương chủ yếu là di tích danh thắng. Hiện nay, huyện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với các địa danh này, trong đó trước mắt sẽ liên kết với các công ty du lịch để xây dựng các tour du lịch sinh thái, tour du lịch xuyên hai nước Việt - Lào. Đây cũng có thể được xem là một hướng đi mới trong định hướng phát triển của địa phương và kế hoạch sẽ khả thi hơn nếu các di tích được giữ nguyên hiện trạng.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát, thống kê lại di tích trên địa bàn huyện, “bản đồ” di tích của huyện Tương Dương có sự thay đổi do có nhiều di tích đã bị ngập dưới lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Đó là các hang Thẳm Tảo, Thẳm Bình, Thẳm Nặm ở bản Xiềng Lằm, xã Hữu Khuông, hang Thẳm Nang ở bản Chà Luôn xã Luôn Mai và suối nước nóng ở bản Pủng, xã Kim Đa. Đây thực sự là điều đáng tiếc bởi nếu còn giữ được tổng thể các di tích thì khu vực sinh thái ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ có sự phát triển đa dạng. Đồng thời, giữ được nhiều di tích cổ, gắn với sự phát triển của con người, thiên nhiên vùng miền Tây xứ Nghệ.
Đã có nhiều số liệu di tích bị thay đổi sau đợt khảo sát mới đây của Ban Quản lý di tích danh thắng Nghệ An về hệ thống các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nếu như trước đây toàn tỉnh Nghệ An thống kê chỉ có 1.395 di tích, danh thắng thì nay con số này đã lên đến 2.586 di tích, trong đó có 364 di tích được xếp hạng (02 di tích đặc biệt, 137 di tích quốc gia, 225 di tích cấp tỉnh). Theo bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban quản lý di tích danh thắng: “Con số vừa thống kê đã phản ánh chính xác số lượng di tích trên địa bàn. Sự chênh lệch là do trước đây chúng ta chỉ thống kê những di tích còn hiện hữu và việc thống kê chỉ mang tính phổ thông. Còn hiện tại, việc thống kê khoa học sẽ được thực hiện kỹ càng, chi tiết hơn và tính đến cả những di tích chỉ có phần “tích” chứ không còn phần “di”...”
Phân cấp lại công tác quản lý di tích
Thực tế trên cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo quản gìn giữ và phát huy các giá trị di tích hiện nay. Những năm qua, thực hiện theo Quyết định số 1017QĐ.UBND.VX ngày 1/4/2011 việc phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn, được quản lý theo ba cấp, trong đó cấp tỉnh quản lý: 17 di tích, UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý: 239 di tích - danh thắng và UBND các xã, phường, thị trấn quản lý: 1.139 di tích - danh thắng.
Với sự phân cấp này, trách nhiệm của các ban, ngành liên quan về cơ bản đã được xác định rõ. Tuy vậy, lại dẫn đến những khó khăn trong vấn đề quản lý và chưa thấy được trách nhiệm của đơn vị liên quan trong công tác gìn giữ, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích dẫn đến tình trạng đầu tư không đồng đều. Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay đó là ở các địa phương, các di tích của dòng họ thường được quan tâm, đầu tư, tôn tạo. Trong khi đó di tích tâm linh, di tích lịch sử lại chưa được chú trọng, đầu tư, dẫn đến hư hỏng nhiều. Ngoài ra, hiện nhiều di tích đã bị xuống cấp trong khi địa phương chưa cân đối được ngân sách để trùng tu, tôn tạo mà chủ yếu trông chờ vào nguồn nhân dân đóng góp hoặc sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, ban quản lý làm công tác quản lý di tích còn thiếu (kiêm nhiệm nhiều việc), yếu về nghiệp vụ nên gặp khó trong việc bảo quản hay phát huy các giá trị của di tích, thậm chí làm sai trong việc phục dựng, tôn tạo lại các di tích.
Nói về những bất cập trong quản lý di tích hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Do Quyết định 1071 đã ra đời được 5 năm nên không thích hợp trong điều kiện mới, đặc biệt là khi một năm Nghệ An có thêm hàng chục di tích được xếp hạng. Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý, dù có nhiều di tích đã được phân cho các huyện, xã nhưng nhiều huyện lại chưa triển khai cho xã dẫn đến nhiều lỗ hổng trong quản lý và chưa thấy được trách nhiệm của các bên liên quan.
Với những lý do này, sau khi Nghệ An hoàn thiện việc thống kê các di tích trên địa bàn thì việc phân cấp quản lý lại các di tích danh thắng trên địa bàn là điều hết sức cần thiết. Việc phân cấp quản lý ngoài mục đích bổ sung đầy đủ các di tích, còn có ý nghĩa trong việc xác định lại đơn vị chủ quản của các di tích để có hướng quản lý tốt và hiệu quả tránh tình trạng di tích xuống cấp và hư hỏng kéo dài như hiện nay.