Thúc đẩy giao thương vùng Tây Bắc

Mặc dù chưa có khu kinh tế cửa khẩu, nhưng sự hoạt động sôi động của 5 chợ biên giới là Chiềng Khương, Phiêng Khoài, Chiềng Sơn, Lao Khô 1 và Mường Hung thời gian qua đã góp phần tích cực trong phát triển thương mại vùng biên cho tỉnh Sơn La.

Chuyển động tích cực

Báo cáo của Sở Công Thương Sơn La cho thấy, những năm gần đây, hoạt động trao đổi thương mại biên giới của Sơn La với nước bạn Lào có những chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng qua từng năm. Tổng giá trị hàng hóa cư dân biên giới mua bán, trao đổi năm 2016, 2017 và ước 7 tháng năm 2018 khoảng 4,5 triệu USD. Trong đó, hàng Việt Nam bán sang Lào chiếm 3,1 triệu USD, người dân Sơn La mua các sản phẩm của nước bạn vào khoảng 1,4 triệu USD.

\"thuc

Các mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là các mặt hàng xi măng, sắt thép; tạm nhập, tái xuất các loại máy móc phục vụ công trình có kỳ hạn; xuất khẩu ngô giống tới thị trường các tỉnh U Đom Xay, Xiêng Khoảng. Bên cạnh đó, những mặt hàng trao đổi, mua bán giữa cư dân biên giới hai tỉnh Sơn La - Hủa Phăn gồm các loại nông sản như ngô, đậu tương giống, dừa; lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người và gia súc và các mặt hàng tiêu dùng.

Bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La - đánh giá, hoạt động trao đổi hàng hóa qua biên giới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của Sơn La và các tỉnh của nước bạn Lào, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng của cư dân khu vực biên giới.

Tìm hướng phát triển bền vững

Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song lãnh đạo Sở Công Thương Sơn La cũng thừa nhận, các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động thương mại như hệ thống kho bãi, trung tâm logistics chưa phát triển. Việc mua bán hàng hóa của cư dân chủ yếu vẫn là tại các chợ biên giới, dưới hình thức trao đổi hàng với hàng, hoặc bằng tiền mặt với tỷ giá xác định thông qua tự thỏa thuận... Trong khi định hướng phát triển xuất khẩu hàng hóa sang Lào của tỉnh Sơn La đặt ra trong giai đoạn tới là phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng.

Để đạt được mục tiêu, bà Đỗ Thị Bích Châu kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách hàng năm hoặc các nguồn vốn khác cho Sơn La để đầu tư xây dựng dự án hạ tầng thương mại biên giới như chợ cửa khẩu, chợ khu vực biên giới và có cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để doanh nghiệp địa phương đầu tư cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên đất bạn Lào.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là tỉnh Hủa Phăn ngày càng tăng. Hai tỉnh giáp biên giới Sơn La - Hủa Phăn cũng có mối quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài. Do đó, tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào xem xét cho phép thành lập văn phòng đại diện của tỉnh tại tỉnh Hủa Phăn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cửa khẩu quốc gia Lóng Sập (Mộc Châu) lên cửa khẩu quốc tế, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.

Tỉnh Sơn La mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Xúc tiến thương mại biên giới hàng năm để tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về các xã thuộc khu vực biên giới và tham gia hội chợ của nước bạn Lào 1 lần/năm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Thanh Tâm
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận