![]() |
Ảnh minh họa |
Điểm mặt một vài “con gà đẻ trứng vàng” đó: Tổng công ty CP tái bảo hiểm quốc gia (giá trị thực tế vốn nhà nước 1.270 tỷ đồng); Công ty nhựa Bình Minh (1.611 tỷ đồng); Công ty CP FPT (1.117 tỷ đồng); FPT Telecom (3.251 tỷ đồng); Công ty nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (230 tỷ đồng)... Riêng tại Vinamilk, nơi nhà nước nắm giữ 45,1% vốn, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tới 57.532 tỷ đồng.
Nhìn những con số đó, có thể nhiều người không khỏi tiếc nuối, song có luồng tư duy ngược lại, nhận định: Thoái vốn là đúng, là động thái tích cực. Và, không phải bây giờ, vấn đề này mới được tung ra tranh luận.
Ngược dòng thời gian, hồi tháng 11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ bán phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp không cần nắm cổ phần chi phối để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách, giảm gánh nặng nợ vay. Trước đó, tháng 10/2013, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 5 giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước, trong đó có giải pháp bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như: Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk..., sẽ thu được nhiều tỷ USD để đầu tư phát triển.
Như vậy, sau 2 năm cân nhắc, Chính phủ mới quyết định thực thi một cuộc thoái vốn nhà nước quy mô lớn tại 10 doanh nghiệp. Có lẽ, sự quyết đoán đó không phải vì mục tiêu bù đắp ngân sách mà thể hiện một tư duy mới, cao hơn: Nhà nước không nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực không cần thiết.
Ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- nhận xét: việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn là bước ngoặt quan trọng khi Chính phủ đã thay đổi tư duy về vai trò của nhà nước tại các doanh nghiệp, làm đúng chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, không thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân hoặc những đối tượng khác tham gia kinh doanh hiệu quả.
Dĩ nhiên, việc thoái vốn nhà nước vẫn cần thận trọng tính toán đường đi nước bước, có lộ trình cụ thể, phù hợp thực tế.