Theo Báo cáo kinh tế xã hội năm 2019 của Tổng cục Thống kê (TCTK), khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 54,6%, giảm 1,6% so với năm 2018 (56,2%). Xu hướng trong 5 năm 2014 đến 2019 thì tỷ lệ này giảm từ 58,8% xuống còn 54,6%, nghĩa là mỗi năm giảm trung bình 0,84%.
![]() |
Lao động phi chính thức đang gặp nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 |
Mặc dù có những đóng góp cho nền kinh tế, song do lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức, nên cũng là đối tượng chịu rất nhiều thiệt thòi về hưởng các chính sách an sinh xã hội. Theo đó, họ là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định. Đặc biệt, tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%) đã khiến lao động phi chính thức gặp khó khăn để tạo ra việc làm bền vững, ổn định hay chuyển dịch vào khu vực chính thức là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, hiện tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Trong đó, nếu tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng). Trong khi chỉ có 1,7 % lao động chính thức không được ký hợp đồng lao động thì có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm, cụ thể hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và không có bất cứ một thỏa thuận nào (14,6%).
Tại Tọa đàm khoa học về lao động phi chính thức thông qua hình thức trực tuyến, do Cục Việc làm, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội phối hợp với Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, ông Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh: việc làm phi chính thức là vấn đề khách quan của Việt Nam, với các mục tiêu của Việt Nam đã đề ra, cần thiết có các chính sách để hỗ trợ chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức. Các quốc gia đều cho thấy khu vực phi chính thức có sự đóng góp lớn đối với nền kinh tế, do vậy cần có các chính sách để quản trị phù hợp trong quá trình phát triển với mục tiêu không để ai để lại phía sau.
Mặt khác, theo ông Đoàn Ngọc Xuân, việc làm phi chính thức khẳng định chính sách an sinh phải đủ mạnh để mọi người cùng đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội. "ILO vừa qua đã đóng góp trong việc xây dựng Nghị quyết 28 về Bảo hiểm xã hội trong đó có đề cập đến lực lượng lao động chưa có bảo hiểm và hướng đến mở rộng đối tượng lao động trong nông nghiệp. Đồng thời, cho rằng người lao động, cùng Nhà nước, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng góp để lao động phi chính thức tham gia vào hệ thống an sinh xã hội"- ông Xuân cho hay.
Năm 2020 và hiện nay, nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm người lao động bị tác động bởi đại dịch Covid-19, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã nhận định lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, là đối tượng chịu nhiều rủi ro, tác động nhất, là lực lượng vất vả nhất, đồng thời là người thụ hưởng ít nhất.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho lực lượng lao động phi chính thức trước "bão" Covid-19, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã sớm tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Trong đó, gói hỗ trợ hướng tới hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ để khôi phục, duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh, quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức.
Về lâu dài, trước những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với lượng lao động phi chính thức, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình có đề xuất và mong muốn cần phải làm rõ khái niệm, định nghĩa và nội hàm của lao động phi chính thức và các vấn đề liên quan để cơ quan quản lý định hướng xây dựng chính sách. Đặc biệt, là trong bối cảnh chuẩn bị hồ sơ sửa đổi Luật Việc làm tới đây và triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp cũng như việc định vị Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; khẳng định chính sách việc làm cần đảm bảo độ bao phủ để chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức.