Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt mục tiêu!

Đây là khẳng định của bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 7 diễn ra mới đây, tại Hà Nội.
\"\"
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm

Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa tháng 7 đạt 14,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch XK hàng hóa đạt 96,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Phan Thị Diệu Hà cho hay, mức tăng trưởng kim ngạch XK 7 tháng năm 2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (9,2%). Mục tiêu phấn đấu để kim ngạch XK tăng trưởng 10% đang ngày càng khó khăn và cần sự đồng thuận cao của các hiệp hội, DN và địa phương mới có thể đạt được.

“Các mặt nông lâm thủy sản đã đến “ngưỡng”. Công nghiệp chế biến không có mức tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước do các DN đã chạy hết công suất. Những nhóm hàng như điện tử và dệt may năm nay suy giảm về mức tăng trưởng XK… Mặt hàng gạo đang thiếu những hợp đồng lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường với những bạn hàng truyền thống lớn như Philippines, Indonesia… Đây là những nguyên nhân khiến mức tăng trưởng kim ngạch XK không đạt mục tiêu đã đề ra sau 7 tháng” – bà Hà lý giải.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bức tranh XK 7 tháng đầu năm vẫn không thiếu những “điểm sáng” đáng ghi nhận. Đơn cử, trong nhóm nông sản, một số mặt hàng đã đạt mức tăng trưởng kim ngạch XK cao như: Rau quả tăng gần 33%, cà phê 17%, điều 11%... Đây là những mặt hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn và tương đối cao từ đầu năm đến nay và được kỳ vọng sẽ vẫn là động lực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng XK những tháng cuối năm.

Sau 7 tháng, cả nước đã xuất siêu 1,8 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt, giúp cân bằng kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu có kim ngạch nhập khẩu tăng như xơ sợi dệt may, nguyên phụ liệu da giày, báo hiệu tình hình sản xuất công nghiệp ở 2 mặt hàng trong thời gian tới sẽ có bước tiến triển và tăng trưởng khá hơn so với 7 tháng đầu năm.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, công tác XTTM đã và đang được Chính phủ quan tâm và Bộ Công Thương triển khai đều đặn. Cục Xuất nhập khẩu cũng đang phối hợp với các bên liên quan rà soát lại những quy định liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho DN để đẩy mạnh XK.

Riêng với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đang tăng cường giám sát các thị trường lớn và truyền thống để có giải pháp kịp thời giúp tiêu thụ gạo cho bà con nông dân. “Hiện tồn kho gạo trong DN khoảng 1,2 triệu tấn - mức tồn kho tương đối an toàn so với con số tồn kho 1,8 - 1,9 triệu tấn của nhiều thời điểm trước đây. DN cũng đang nỗ lực tìm kiếm những hợp đồng thương mại để đẩy mạnh XK” – bà Hà phân tích.

Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản chế biến phục vụ XK, cung cấp thông tin cho các đối tác nhập khẩu nhằm hạn chế những thiệt hại do việc thiếu thông tin dẫn đến lo ngại chất lượng thủy hải sản XK của Việt Nam. Mục tiêu quan trọng là giữ vững kim ngạch XK thủy sản ở mức 7-8 tỷ USD/năm.

Nguyên nhân khiến tăng trưởng XK ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu của nhiều bạn hàng của ta trên thế giới đang suy giảm. Trong tháng 7, chỉ có XK nông lâm thủy sản tăng trưởng 0,1% còn 2 nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và công nghiệp chế biến đều suy giảm.
Phương Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận