Trường hợp đề nghị trợ cấp thất nghiệp tăng
Những tháng đầu năm 2020, số lượng NLĐ tới Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình) để làm thủ tục giải quyết chế độ BHTN gia tăng nhanh chóng. Riêng trong tháng 3/2020, số lượng NLĐ thất nghiệp đến Trung tâm DVVL tỉnh nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 300 người so với tháng 2/2020. Trong đó, số lao động nghỉ việc ở địa phương khác về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 288/538 người. Đáng chú ý, tháng 3/2020 chưa phải là thời gian cao điểm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
![]() |
Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp kết nối cung – cầu lao động. Ảnh minh họa |
Trước tình hình đó, Trung tâm DVVL tỉnh đã triển khai các văn bản chỉ đạo, chủ động tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và giải quyết chế độ chi trả trợ cấp NLĐ kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, đơn vị đã thông tin đầy đủ cho NLĐ về các trường hợp không phải trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và những trường hợp không phải thực hiện thông báo về tìm kiếm việc làm theo quy định để hạn chế tập trung đông người. Do đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, trung tâm đã giải quyết 603 trường hợp được nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền phải chi trợ cấp thất nghiệp hơn 9 tỷ đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ những lao động đăng ký và được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu lớn nhất của Trung tâm DVVL tỉnh vẫn là đưa lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, mỗi NLĐ khi tới trung tâm sẽ được hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới và tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân để sớm tái hòa nhập thị trường lao động.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động
Trong những tháng đầu năm 2020, tỉnh Quảng Bình đã giải quyết việc làm cho 18.300 lao động. Cụ thể, tạo việc làm cho khoảng 9.700 lao động; xuất khẩu lao động khoảng 1.700 người, chủ yếu là đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trung tâm DVVL tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm; có gần 12.000 lượt NLĐ được tư vấn; 2.148 lượt người được giới thiệu việc làm; xuất khẩu lao động cho 169 người; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho hơn 1.200 người… Kết quả này có được là nhờ những giải pháp linh hoạt tăng cường kết nối cung - cầu, hỗ trợ người lao động của địa phương.
Trước đó, trong bối cảnh nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh bị phá sản, đình trệ hoặc cắt giảm nhân sự do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung nhân lực ở thời điểm này còn khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt các phiên giao dịch việc làm định kỳ và các phiên lưu động đều bị tạm dừng từ ngày 3/2/2020. Thực hiện chỉ đạo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thay đổi phương thức thông báo về thị trường lao động cũng như hình thức tổ chức sàn giao dịch để phù hợp với tình hình thực tế. Trung tâm cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thực tiễn, đội ngũ tư vấn viên đã liên tục cập nhật những thông báo tuyển dụng nhân sự mới nhất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trên website, fanpage chính thức của Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình để người lao động dễ dàng truy cập, tạo hồ sơ, tra cứu và tìm hiểu.
Tiếp theo đó, trung tâm đã triển khai các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối nhà tuyển dụng phỏng vấn, trao đổi với các ứng viên thông qua sự hỗ trợ của mạng internet, màn hình máy tính và tai nghe. Những tiện ích của hình thức giao dịch này nhận được sự hưởng ứng từ chính người lao động và người sử dụng lao động khi cả hai bên đều tiết kiệm được chi phí đi lại, tổ chức… Đồng thời, hình thức này cũng cho kết quả khả quan khi 5 phiên giao dịch việc làm online do trung tâm tổ chức từ đầu năm đến nay đã thu hút gần 20 doanh nghiệp và hơn 280 ứng viên tham gia kết nối việc làm. Thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, hoạt động giao dịch việc làm định kỳ bắt đầu được tái khởi động như thường lệ với phiên gần nhất vào ngày 2/6/2020, với sự tham gia của 3 doanh nghiệp uy tín tại địa phương với 10 vị trí việc làm hấp dẫn…
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2020, Quảng Bình tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai những giải pháp để tạo việc làm cho lao động. Trong đó, phối hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức giám sát, chỉ đạo các địa phương triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ công tác điều tra ghi chép cung - cầu lao động; tiếp tục rà soát và thu hồi giấy phép lao động đã hết thời hạn của người lao động nước ngoài; thông báo các doanh nghiệp đến tuyển xuất khẩu lao động…