Phát triển kinh tế biên giới Tây Ninh: Tìm giải pháp gỡ khó

Tỉnh Tây Ninh có tuyến biên giới gồm 20 xã dài khoảng 240 km, có 2 cửa khẩu quốc tế và 14 cửa khẩu phụ. Tuyến biên giới có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
\"\"
Cửa khẩu Mộc Bài

Vùng biên giới Tây Ninh hiện có 8 dự án nông nghiệp với tổng diện tích 3.667 ha, tập trung vào trồng mía, cao su, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển khá với 37 doanh nghiệp (DN) hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có 8 dự án với tổng vốn đầu tư 269,16 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới Tây Ninh tập trung xuất khẩu chủ yếu là thực phẩm, hàng gia dụng các loại, quần áo may sẵn, hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc, chỉ may... Hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ xẻ các loại, cao su thiên nhiên, trái cây, hạt điều thô, thuốc lá, mía, củ mì tươi, mì lát khô...

Đến nay, có 20 chợ đang hoạt động/16 xã biên giới (4 xã chưa có chợ), trong đó, 15 chợ biên giới, 3 chợ liên xã, 1 chợ cửa khẩu, 1 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Ở các chợ biên giới: hàng Việt Nam chủ yếu là đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa gia dụng, mì ăn liền, dầu ăn, trái cây, bột giặt, vật liệu xây dựng…; hàng Campuchia gồm mì (sắn) lát, mì tươi, hạt điều nguyên liệu, đậu các loại, lúa gạo…; doanh số mua bán bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/chợ/ngày, trong đó mua bán của cư dân qua biên giới khoảng 20- 30%.

Nhằm chuẩn bị cho công tác khai trương cửa khẩu Kà Tum và nâng cấp cửa khẩu Chàng Riệc lên cửa khẩu chính, UBND các huyện đã xây dựng các dự án như đường ra cửa khẩu Kà Tum (tổng mức đầu tư 8,875 tỷ đồng); trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Kà Tum (tổng đầu tư 4,989 tỷ đồng). đường ra cửa khẩu Chàng Riệc (tổng đầu tư 14,276 tỷ đồng); trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Chàng Riệc (tổng đầu tư 5,658 tỷ đồng).

Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp quản lý cửa khẩu trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trên tuyến biên giới nhằm bảo đảm an ninh xã hội, tạo môi trường ổn định cho DN, cá nhân yên tâm qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, góp phần phát triển đời sống cư dân khu vực biên giới.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi hoạt động thương mại biên giới, Tây Ninh cũng còn gặp những khó khăn như chính sách mới quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ- TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu có hiệu lực từ 1/10/2014 không khuyến khích được DN tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại khu thương mại- công nghiệp Mộc Bài. Vì vậy, hoạt động thương mại tại cửa khẩu không còn phát triển như những năm trước, các DN có xu hướng giải thể. Tại Khu Thương mại- Công nghiệp Mộc Bài hiện có 38 DN hoạt động kinh doanh nhưng chỉ có 25 DN được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh bán hàng miễn thuế trong khu phi thuế quan theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát chủ yếu là xuất, nhập khẩu hàng hóa của các DN ngoài khu kinh tế, hoạt động thương mại và dịch vụ tại chỗ chưa phát triển.

Thời gian tới, Sở Công Thương chủ trì, hướng dẫn trong hoạt động xuất, nhập khẩu, mua, bán, trao đổi hàng hóa, hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý, giải quyết vướng mắc, bảo đảm hoạt động thông suốt. Cục Hải quan tỉnh nghiên cứu các quy trình thủ tục hải quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, phù hợp với thực tế. Tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2015.
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận