Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Coi trọng thị trường trong nước, hướng đến toàn cầu

Mặc dù nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được ban hành nhưng đến nay, các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam mới chỉ đáp ứng được từ 10 -15% nhu cầu trong nước. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức hội nghị toàn quốc về CNHT.

Các mục tiêu lớn

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước có khoảng 1.800 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT; trong đó, chỉ có 0,32% tham gia công nghiệp chế biến, chế tạo. Hạn chế về năng lực, trình độ công nghệ; quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa đã khiến khả năng tiếp cận của DN CNHT cả ở khu vực cũng như trong nước và thế giới vẫn còn hẹp.

\"coi
Ngành da giày chủ yếu dựa vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, CNHT là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới. Mục tiêu chương trình CNHT là sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản xuất nội địa và đến năm 2025 là 65%.

Giai đoạn 2016 - 2030, sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu phát triển ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển CNHT trong một số ngành. Quan trọng hơn, nhờ CNHT, các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.

Tập trung giải pháp thực hiện

Để phát triển CNHT, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực này đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện; các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT và ưu đãi cho CNHT cũng đang được triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68 QĐ- TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025; Quyết định số 10 QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển CNHT cùng nhiều văn bản khác. Bên cạnh đó, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các văn bản pháp quy của nhà nước đều khẳng định vai trò và những ưu tiên của nhà nước trong phát triển CNHT.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phải gấp rút triển khai hội nghị toàn quốc về CNHT. Trước yêu cầu của Chính phủ, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung chuẩn bị Hội nghị CNHT toàn quốc và nỗ lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. \"Cụ thể, ngành CNHT sẽ coi trọng thị trường trong nước, nhưng phải hướng đến thị trường toàn cầu làm mục tiêu phát triển, coi DN giữ vai trò chủ thể, quyết định sự thành công\" - lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị, cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm một số DN Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như: Ôtô, điện, điện tử, dệt may, da giày…, trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt DN CNHT trong nước cùng phát triển.

Ngoài ra, cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp để các DN có thể tham gia Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. Tích cực tháo gỡ các rào cản, chống hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh đối với sản phẩm CNHT. Phát triển các loại hình, phương thức, kinh doanh thương mại hiện đại. Xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp, giúp DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu.

Chính phủ đã xác định CNHT là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may, da giày, thời trang, ôtô…
Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận