OCOP Bắc Giang: Từng bước chuẩn hóa sản phẩm địa phương

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không chỉ thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang vươn xa trên thị trường mà còn phát huy tính sáng tạo của người dân, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2019 tỉnh Bắc Giang có 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng, gồm 15 sản phẩm 4 sao, 31 sản phẩm 3 sao, mở ra cơ hội cho những người sản xuất nâng sản lượng, giá trị và thu nhập.

Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (huyện Lục Ngạn) cho biết, sau khi được cấp chứng nhận 4 sao, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của HTX dễ dàng vào các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc; việc liên kết sản xuất vải thiều theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm nên quả vải luôn có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ và Úc với giá cao, ổn định.

Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vải xuất khẩu của HTX chỉ đạt gần 10 tấn nhưng tiêu thụ trong nước được hơn 1,5 nghìn tấn, trong đó một nửa vải được bán trong các siêu thị, đây là lượng bán cao nhất từ trước đến nay.

Cũng nhờ được cấp chứng nhận 4 sao, sản phẩm gà đồi Yên Thế, giò gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế (huyện Yên Thế) được tin tưởng vào chất lượng, sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Mỗi năm đơn vị ký hợp đồng chăn nuôi, cam kết tiêu thụ hơn 120.000 con gà với 40 hộ dân trong huyện với giá thu mua cao hơn so với thị trường 5.000 đồng/kg, bảo đảm các hộ có lãi. Với hiệu quả kinh tế sản phẩm mang lại, năm nay HTX liên kết sản xuất sản lượng cao hơn năm trước khoảng 20%.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được xem là hướng đi đúng và hiệu quả trong việc lan tỏa thương hiệu, tăng tính cạnh tranh, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương.

\"ocop
Chương trình OCOP góp phần khẳng định vị thế, tăng giá trị sản phẩm ở mỗi địa phương

Năm 2020 tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả OCOP với việc lựa chọn, phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu.

Trong đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm cũ; hỗ trợ những sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm 2019 chưa đạt tiêu chí tiếp tục tham gia năm 2020 cũng như thêm các sản phẩm mới tham gia; hỗ trợ củng cố và nâng cấp các sản phẩm đạt 3 - 4 sao năm 2019 tham gia nâng hạng sao. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế để chủ thể hoàn thiện mẫu mã bao bì và chất lượng, nâng hạng sản phẩm.

Tỉnh Bắc Giang xác định trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, nếu người dân không nắm rõ chương trình thì việc phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản rất khó thực hiện. Do đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến để người dân thay đổi tư duy, đầu tư cải tiến sản xuất. Tỉnh lựa chọn 5 điểm giới thiệu, bán và quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện: Việt Yên, Yên Thế, Lục Nam và TP Bắc Giang. Hàng năm tổ chức đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, giúp các chủ thể hoàn thiện sản phẩm.

Dự kiến năm nay tỉnh Bắc Giang có thêm 150 sản phẩm của 80 chủ thể sản xuất ở 10/10 huyện, thành phố đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Trong đó có 113 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 27 sản phẩm ở nhóm đồ uống; 2 sản phẩm nhóm nội thất, trang trí và 8 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược.

Tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, gồm: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế; phát triển 30 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh; 46 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp được cấp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Nguyễn Mai
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận