Oằn mình trong khô hạn

Kênh mương khô cạn nước, ruộng đất nứt nẻ, hàng trăm nghìn ha đất trồng lúa, hoa màu  của người dân chết khô. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang vất vả đối phó với thiên tai hạn, mặn lớn nhất trong hơn 100 năm qua.
\"\"
Hạn hán và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp

160.300 ha lúa bị thiệt hại

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đến trung tuần tháng 3/2016, toàn vùng ĐBSCL, trên 160.300 ha lúa bị thiệt hại, trong đó, 110.000 ha thiệt hại tới 70%. Nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng năng suất nặng nề  do hạn hán và xâm nhập mặn (XNM), ước tính thiệt hại cho toàn vùng ĐBSCL khoảng 320 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường - cho biết: Rất nhiều vùng nguyên liệu mía tại Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang… bị hạn hán, XNM đe dọa. Lo ngại hơn, niên vụ tới, nếu tình hình này tiếp tục, có thể ảnh hưởng nặng nề tới nguyên liệu phục vụ sản xuất đường. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con dùng đê bao ngăn mặn xâm nhập. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có sự chung tay của Chính phủ và các bộ, ngành.

Ông Huỳnh Văn Tốn (nông dân ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) - lo lắng: Hơn 70 năm sống ở vùng này, chưa năm nào hạn và mặn khủng khiếp như năm nay. Dân vùng này chỉ mong nước sông Mê Kông  sớm về và trời đổ mưa để giản hạn.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, hạn hán, XNM đã và đang ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở cửa sông, ven biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu; đã có khoảng 155.000 hộ gia đình với khoảng 575.000 người bị thiếu nước.

Giải pháp cấp bách

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, vùng ĐBSCL chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy, việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn. Nhiều giải pháp mang tính cấp bách đang được Chính phủ, bộ, ngành liên quan và các địa phương quyết liệt triển khai.

Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - đề nghị: Trước mắt, nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản suất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn.

PGS.TS Lê Anh Tuấn -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ - đưa ra ý kiến, hiện nước trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chiếm 70%, lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 20% và gần 10% lượng nước còn lại được sử dụng sinh hoạt. Do đó, cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp như phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới đúng thời điểm cần nước của cây trồng, phù hợp với điều kiện cơ giới hóa đồng ruộng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên - cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với những khó khăn do thời tiết gây ra.

Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Nguyễn Văn Hợp - thông tin: Doanh nghiệp đã yêu cầu các công ty điện lực thành viên chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương xác định khu vực có nhu cầu cấp bách về tưới tiêu, chống hạn, nước sạch sinh hoạt để lập phương án ứng cứu cụ thể. Ngoài ra, ngành điện tại khu vực miền Nam hiện đang thực hiện chế độ giám sát chặt hoạt động cung cấp điện tại các vùng xâm nhập mặn.

Hơn lúc nào hết, các ngành hữu quan, địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ mô hình ứng phó, thích ứng trong chống hạn, XNM.
Thảo - Vĩnh - Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận