Người chăn nuôi miền Trung lao đao vì giá thức ăn tăng chóng mặt

Người chăn nuôi miền Trung đang chịu khó khăn kép khi giá bán sản phẩm không tăng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng chóng mặt suốt mấy tháng qua.

Liên tiếp từ đầu tháng 3 tới nay, ông Phạm Văn Thảo - chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) nhận được thông báo tăng giá từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn như CP, De Heus, Emivest… Cụ thể, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt… đã tăng 4 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay, mỗi lần tăng 300-400 đồng/kg, tương đương mức tăng 10.000 đồng/bao 25kg (loại thức ăn đậm đặc). Tính sơ bộ mỗi kg thức ăn sau 4 lần tăng giá đã đội lên trung bình khoảng 1.500 đồng/kg. Hiện nay, mức chênh lệch đã lên đến 20 - 25 nghìn đồng/bao tuỳ dòng sản phẩm so với thời điểm tháng 12/2020. Giá cao, buôn bán khó khăn nên tôi cũng nhập số lượng hàng cầm chừng…”, ông Thảo nói.

Trong vòng 5 tháng, thức ăn chăn nuôi đã 7 lần tăng giá

Là đại lý TACN trong hơn 10 năm qua, ông Thảo cho biết, các năm trước mỗi tháng gia đình tôi xuất bán khoảng 30 tấn thức ăn ra thị trường, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá thức ăn tăng, trong khi sản phẩm chăn nuôi thì rẻ nên người dân tính đến bài giảm tổng đàn, dẫn đến số lượng xuất bán thức ăn giảm còn 10 tấn. Thấy giá TACN tăng liên tục, khách hàng ai cũng than phiền, cũng có người tính đến chuyện nghỉ nuôi…. "Bên bộ phận kinh doanh của các công ty nói các đại lý tranh thủ đặt hàng sớm trữ trong kho vì thời gian tới sẽ còn tăng giá nữa", ông Thảo cho biết thêm.

Tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại TACN đồng loạt tăng giá từ 300 - 400 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/bao 25kg. Việc TACN tăng giá khiến người chăn nuôi gặp khó, thậm chí tính đến chuyện nghỉ nuôi.

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 2 triệu con gia cầm và khoảng 60.000 con gia súc. Thời điểm này, người dân đang đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi để khôi phục và ổn định đàn sau đợt cao điểm tiêu thụ tết. Giá TACN tăng đã gây nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn để đầu tư tái đàn, tăng đàn. Nhiều cửa hàng kinh doanh TACN lo ngại tới đây sức tiêu thụ hàng hóa bị giảm do người dân không mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, nhất là khi đầu ra sản phẩm chăn nuôi còn bấp bênh, tăng, giảm khó lường.

Hiện nay, dù giá lợn hơi ở mức trung bình khoảng 70.000 - 78.000 đồng/kg nhưng chi phí đầu tư lại tăng lên rất nhiều. Anh Võ Văn Phong ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) chia sẻ: “Giá lợn giống dao động từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/con. Chi phí thức ăn tăng lên, chưa tính tiền thuốc men, tiền tiêm phòng bệnh. Rõ ràng người chăn nuôi phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, trong khi đó thị trường lợn hơi có thể biến động tăng giảm nhanh chóng, khó lường trước được”.

Với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hiện nay, người nuôi không thể có lãi

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Nghệ An, chỉ trong vòng 5 tháng qua từ tháng 11/2020 - 3/2021, TACN đã 7 lần tăng giá. Theo đó, mỗi bao 25kg tăng khoảng 30.000 đồng - 45.000 đồng, tương đương 1kg thức ăn tăng 1.300 - 1.700 đồng (tùy loại).

Không chỉ thức ăn gia súc, gia cầm tăng mà giá thức ăn cho thủy sản cũng tăng mạnh. Giá nhiều loại TACN dành cho tôm của các thương hiệu như: Hi-Gro, AnCo, Vina, Green Feed, Dabaco, Lái Thiêu hiện có giá từ 220.000-450.000 đồng/bao/25kg, tăng 20.000 - 30.000 đồng/bao.

Ông Nguyễn Đình Hiến - Giám đốc HTX chăn nuôi Lộc Hà (Hà Tĩnh) - cho rằng, dù lấy thức ăn trực tiếp từ công ty nhưng giá tăng lên nhanh chóng cũng khiến chi phí sản xuất phải đội lên từ 10 - 15%, chưa kể các loại đi kèm như vaccine phòng ngừa bệnh, hoá chất vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thuê nhân công phòng chống dịch… Trong khi đó, giá lợn hơi trên thị trường đang trên đà giảm làm người chăn nuôi như chúng tôi càng lo lắng. “Nếu so sánh thì giá TACN thời gian qua tăng nhanh không khác gì đợt lạm phát năm 2008. Nhưng điểm khác biệt là thời kỳ lạm phát đó giá thức ăn tăng thì giá bán lợn, gà, trứng cũng tăng, còn bây giờ thì ngược lại…”, ông Hiến chia sẻ thêm.

Theo Chi cục Chăn nuôi tỉnh Hà Tĩnh, trong suốt cả năm 2020 và đầu năm 2021 chỉ có lợn là vẫn có lời do nguồn cung thiếu hụt vì dịch tả heo châu Phi trước đó. Còn lại, chăn nuôi gà, vịt, trứng đều thua lỗ nặng nề và kéo dài.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, giá TACN tăng là điều không tránh khỏi. Theo đó, ngay từ cuối năm 2020, giá nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn đã tăng mạnh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Giá một số nguyên liệu cho ngành sản xuất TACN như ngô, khô đậu tương tăng từ 30 - 35% so với trước. Việc này càng đáng lo ngại khi giá nguyên liệu hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá nguyên liệu thế giới tăng chóng mặt khiến các nhà máy trong nước liên tục phải tăng giá bán lẻ thức ăn chăn nuôi

"Để giảm chi phí đầu vào, người chăn nuôi có thể tự phối trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các cấp Hội nông dân trong tỉnh, các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhanh chóng ổn định sản xuất để phục hồi và phát triển kinh tế", vị này cho biết thêm.

Theo thông tin từ các đại lý chăn nuôi lớn trên địa bàn Nghệ An, HàTĩnh, thị trường Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính là: Mỹ, Nam Mỹ, EU, Nga….

"Từ sau Tết Nguyến đán, việc tăng giá TACN quá nhanh như thời gian qua khiến giá thành đã vượt xa mức tăng giá của thực phẩm. Do đó, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ của cả năm 2020 sang năm 2021 và cũng chưa biết khi nào mới hết. TACN chiếm phần lớn chi phí sản xuất của ngành. Giá thức ăn tăng kéo theo chi phí sản xuất đầu vào tăng, trong khi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời điểm này còn nhiều phức tạp khiến người dân lo lắng, ngại đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh", ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, cho biết.

Thêm một nguyên nhân được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, giá TACN là cả một vấn đề mà lâu nay chưa giải quyết được. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân do các nhà máy sản xuất không gắn với vùng nguyên liệu. Khâu thu mua nguyên liệu đều tập trung vào thương lái, cho nên dễ bị làm giá. Chưa kể, phần lớn doanh nghiệp sản xuất TACN chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá bán ra phụ thuộc vào thị trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 khiến các sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, rớt giá và đe dọa của dịch tả châu Phi ở lợn, viêm da nổi cục, lở mồm long móng ở trâu bò và cúm gia cầm, người chăn nuôi gặp khó khăn chồng chất. Để ổn định sản xuất, chăn nuôi, người dân cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An - cho biết: “Hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh đe dọa, người chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn kép là chi phí đầu vào cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tiếp và giá đầu ra (gia súc, gia cầm, trứng…) giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ. Do đó, trước khi thị trường bình ổn, người chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn sẵn có tại địa phương để tiết kiệm chi phí đầu vào”.

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận