Ngành dệt may: Sẵn sàng trả chi phí tiêm vắc - xin

Doanh nghiệp dệt may trong nước sẵn sàng tự chủ chi phí mua, tiêm vắc - xin Covid-19 cho người lao động nhằm chia sẻ nguồn lực cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, bảo vệ sức khỏe người lao động, giữ ổn định sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% và ngành sản xuất trang phục tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu của ngành cũng tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

Tiêm vắc - xin cho người lao động để bảo đảm sản xuất

Cũng theo Bộ Công Thương, ngành dệt may đạt được mức tăng trưởng trên là bởi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục, doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi. Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có đến quý III, thậm chí là hết năm.

Bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết, hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành với 40% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Vitas đang hỗ trợ doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp cận sàn thương mại điện tử Amazon.com nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường này.

Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thức 4 với điểm “nóng” là các khu công nghiệp- nơi tập trung đông doanh nghiệp dệt may đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù đã “bật” chế độ phòng dịch cao nhất, vẫn có doanh nghiệp có người lao động bị nhiễm bệnh, buộc phải cách ly, dừng sản xuất. Chậm tiến độ giao hàng không còn là nguy cơ mà trở thành hiện thực.

Mặt khác, nhiều nhãn hàng cũng đã đưa ra thông tin, nếu không thực hiện đơn hàng đúng hạn doanh nghiệp phải giao hàng bằng máy bay, đồng nghĩa chi phí sẽ đội lên rất lớn.

Chia sẻ với giới truyền thông gần đây, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho hay: Vinatex hiện có 150.000 lao động và cần tới trên 1 triệu liều vắc - xin cho toàn bộ người lao động và người thân của người lao động. “Chúng tôi đã có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19 là các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả các chi phí tiêm vắc - xin cho toàn thể người lao động, gánh vác một cách trực tiếp cho nguồn lực của quốc gia trong giai đoạn này. Vinatex cần khoảng 100 – 200 tỷ đồng cho chương trình tự lo vắc - xin” - ông Lê Tiến Trường nói .

Theo lãnh đạo Vinatex, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp dệt may lo nhất là bị cách ly, giãn cách, kể cả ở khu không có doanh nghiệp trú đóng nhưng có người lao động ở, khiến người lao động không thể đi làm. “Chúng tôi hết sức quan tâm đến sự an toàn của người lao động, của doanh nghiệp và cũng tìm mọi biện pháp, tham gia mọi chương trình để người lao động của ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng có cơ hội được tiếp cận vắc - xin một cách sớm nhất” - lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh.

Người lao động được tiêm vắc - xin là một trong những giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp dệt may giữ ổn định sản xuất và sớm quay lại mức tăng trưởng của thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.
Việt Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận