Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú
Theo ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, trước tình hình diễn biến phức tạp và mới của dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Tiền Giang, nhằm đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu tại Tiền Giang dồi dào, phong phú |
Cụ thể, Sở Công Thương Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp (DN), nhà phân phối có kế hoạch ứng phó với diễn biến thị trường, khi người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng mua hàng tích trữ.
Về nguồn cung lương thực, thực phẩm, Sở Công Thương cho biết, đối với mặt hàng gạo, hiện nay lượng gạo trong kho của một số DN lớn trên địa bàn Tiền Giang có trên 50.000 tấn gạo, chưa kể lượng gạo lớn từ chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè) với trên 70 DN xay xát, lau bóng gạo và trong cụm công nghiệp An Thạnh với hơn 29 DN có kho với sức chứa trên 45.000 tấn. Ngoài ra, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 hiện đang thu hoạch với tổng lượng khoảng gần 37.700 ha, với sản lượng hơn 275.870 tấn lúa. Đây là nguồn cung dồi dào, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ gạo và đáp ứng được yêu cầu an ninh lương thực của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm của Tiền Giang rất lớn bao gồm, đàn bò gần 120 nghìn con, đàn heo gần 360 ghìn con và đàn gia cầm khoảng hơn 15 triệu con. Diện tích cây ăn trái hiện có hơn 79.130 ha, sản lượng thu hoạch hơn 283 nghìn tấn. Rau, củ các loại có diện tích khoảng 25.660 ha, trong đó thu hoạch hơn 20.580 ha với sản lượng khoảng 421.730 tấn.
Từ thực tế trên cho thấy, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dồi dào, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong mùa dịch bệnh.
Tăng dự trự hàng hóa gần1.000 tỷ đồng
Dự báo, dịch bệnh Covid-19 sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới, dẫn đến sức mua của người dân về các mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng cao. Sở Công Thương Tiền Giang đã phối hợp với DN, hợp tác xã tham gia bình ổn thị trương và các nhà phân phối tăng lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, các kho hàng trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Các siêu thị, của hàng tiện lợi tại Tiền Giang đã tăng 30 - 50% lượng hàng thiết yếu dự trữ phục vụ nhu cầu của người dân trong mùa dịch bệnh |
Sở Công Thương cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 4 siêu thị lớn, 65 cửa hàng tiện ích của hệ thống Bách hóa Xanh, Vinmart+ cùng 173 chợ truyền thống… đều đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng như gạo, mỳ gói, dầu ăn, nước chấm, gia vị, đường, sữa, bột ngọt, nước giải khát…
Theo đánh giá của Sở Công Thương, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tăng cường nguồn cung, dự trữ hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân từ 70-100%. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ gần 1.000 tỷ đồng, trong đó hàng thiết yếu trên 500 tỷ đồng.
Đại diện các siêu thị Siêu thị Co.opmart, Big C, của hàng tiện lợi Bách hóa Xanh, Vinmart+ và các nhà phân phối đều khẳng định, lượng hàng dự trữ tăng từ 30 - 50% so với ngày thường và sẵn sàng cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu từ hệ thống của mình cho người dân với giá khăng tăng và ổn định.
Với lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng mạnh, giá cả được cam kết giữ ổn định, Sở Công Thương Tiền Giang khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, chỉ mua những hàng hóa thiết yếu hằng ngày với lượng hàng đủ dùng để. Người dân không nên mua hàng dự trữ với khối lượng lớn, trách tụ tập đông người, thay đổi thói quen từ mua trực tiếp qua mua online để hạn chế tới nơi đông người, chung tay phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Thời gian tới, Sở Công Thương Tiền Giang sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, Sở đẩy mạnh phối hợp với Cục Quản lý thị trường Tiền Giang theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi găm hàng, đầu cơ trục lợi bất chính.