![]() |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có khoảng 118.000 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản, hình thành 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với 22.000 tàu tham gia và 50 nghiệp đoàn đi vào hoạt động. Ước tính 11 tháng năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,734 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khai thác biển đạt 2,558 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh việc cung cấp cho thị trường trong nước, hàng năm, ngành thủy sản đã mang lại nhiều tỷ USD thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam ra thế giới.
Có được thành quả đó, trước hết phải kể đến sự nỗ lực của hàng triệu ngư dân đang hoạt động trong các DN tư nhân, tổ đội, hợp tác xã trên khắp cả nước, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau ngày đêm bám biển đối mặt với muôn vàn khó khăn như thiên tai bão gió, những hành động quấy rối, bắt bớ trái phép của tàu nước ngoài, để khai thác hải sản vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ hai là sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các doanh nghiệp hoạt động trên tất cả các lĩnh vực trong đó có các ngân hàng thương mại như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) dựa vào những cơ chế, chính sách của nhà nước. Cụ thể là Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ; thiết bị bảo quản hải sản.
Một trong những DN tham gia tích cực thực hiện triển khai Nghị định 67 là BIDV. Theo đó, BIDV đã ban hành “Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67”. Ngoài ra, đơn vị này còn triển khai đồng thời 5 gói tín dụng thương mại nhằm phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, xem xét cho vay vốn lưu động để sản xuất...
Trong quá trình hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn, BIDV đã cùng với bà con ngư dân đến các cơ sở đóng tàu để tìm hiểu về năng lực, uy tín của các cơ sở đóng tàu, đảm bảo hoàn thiện được các con tàu có chất lượng. Ngay khi các tàu cá đi vào vận hành, BIDV tiếp tục hỗ trợ ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua kết nối với các cơ sở thu mua, chế biến hải sản để đảm bảo đầu ra, tạo nguồn thu ổn định cho ngư dân.
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến nay, đã có 775 tàu được đăng ký đóng mới và 107 tàu được nâng cấp. Khoảng 200 hợp đồng tín dụng đã được ký kết với tổng dư nợ gần 2.000 tỷ đồng. Đã có 38 tàu cỡ lớn được trang bị đầy đủ máy móc, ngư lưới cụ, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại... được hạ thủy và đi vào hoạt động. |