![]() |
Ngân hàng ngoại thoái vốn là hoạt động bình thường trên thị trường tài chính |
Vài tuần trở lại đây, đã diễn ra một số thương vụ chuyển giao lại cổ phần hoặc bán tháo vốn của một số ngân hàng ngoại. Đầu tiên, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) xin ý kiến cổ đông để thông qua đề xuất mua 19,41% cổ phần tương đương 172 triệu cổ phiếu Techcombank của Ngân hàng HSBC. Nếu điều này xảy ra, HSBC sẽ chính thức \"chia tay\" Techcombank sau 12 năm \"chung sống\".
Thương vụ thứ hai, dữ liệu khoảng 22.000 khách hàng của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (CBA) đang được chuyển giao dần cho Ngân hàng Quốc tế (VIB). VIB dự kiến khai trương văn phòng giao dịch mới ở trụ sở của tổ chức tín dụng nước ngoài vừa được mua lại. Thương vụ này được xem là chưa có tiền lệ khi một ngân hàng nội mua lại một phần hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài, vốn đồng thời là cổ đông chiến lược (nắm giữ 20% vốn điều lệ của VIB).
Dường như việc rút lui của các ngân hàng ngoại đang được đồn đoán sẽ trở thành \"làn sóng\". Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân do thị trường ngân hàng hiện tại kém hấp dẫn. Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố mới đây thậm chí còn nhận định: Tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam đang suy giảm qua tình trạng nhiều ngân hàng ngoại thoái vốn và thu hẹp hoạt động.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Hiện tượng trên hoàn toàn không đáng quan ngại nếu không muốn nói là hết sức bình thường. TS. Cấn Văn Lực phân tích, cần nhìn nhận đúng một thực tế là hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang ở thời điểm tốt hơn nhiều so với một vài năm trước đây. Không những vậy, môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam gần đây có nhiều yếu tố tích cực như giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và lên đến 15 - 16%. Hành lang pháp lý thông thoáng hơn nhiều. \"Các ngân hàng ngoại thoái vốn như trên là hết sức bình thường nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu\" - TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Chia sẻ ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nêu quan điểm: Ngân hàng ngoại rút vốn khỏi Việt Nam hoàn toàn bắt nguồn từ việc tái cấu trúc.
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn cũng thẳng thắn bác bỏ ý kiến rằng, khối nợ xấu hiện tại của các ngân hàng Việt Nam là lý do gián tiếp dẫn đến \"làn sóng ngầm\" rút khỏi thị trường Việt Nam của một số ngân hàng ngoại. Theo phân tích của vị chuyên gia này, khối lượng nợ xấu và chuyện đi hay ở tại thị trường nội của các ngân hàng ngoại hoàn toàn không liên quan đến nhau. Thực tế, ngay cả số nợ của các ngân hàng tại Hoa Kỳ rất lớn nhưng ngân hàng ngoại vẫn sống tốt ở đây.
Hiện nay, Việt Nam có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động. Riêng năm 2016, có 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập mới, gồm: Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank Berhad và Public Bank Berhad (Malaysia). |