![]() |
Phát huy vai trò của Ban Nữ công nhằm bảo vệ lợi ích của nữ công nhân lao động |
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tình hình tổ chức và hoạt động Ban Nữ công quần chúng (BNCQC) tại các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước khá nhỏ lẻ, chưa hiệu quả. Cụ thể, cả nước có 46 công đoàn khu công nghiệp ở 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 42 đơn vị thành lập BNCQC. Tuy nhiên, tỷ lệ thành lập BNCQC ở công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực ngoài nhà nước chỉ đạt 47,9%. Có đến 36,9% CĐCS chỉ định một ủy viên ban chấp hành (BCH) phụ trách công tác nữ công. Bên cạnh đó, kết nối giữa các ủy viên BNCQC CĐCS còn yếu. Vai trò đại diện của BNCQC chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt trong việc tham mưu kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc tại DN ngoài nhà nước ở các khu công nghiệp, như: Việc làm, thu nhập, nhà trẻ, mẫu giáo cho con người lao động (NLĐ); vấn đề giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho lao động nữ chưa được thực hiện thường xuyên; hoạt động của BNCQC còn dàn trải, mang tính phong trào. Nguyên nhân được cho là, đa số CĐCS chưa quan tâm đúng mức và chú trọng đầu tư kinh phí cho hoạt động nữ công.
Là công đoàn ngành có số lượng DN ngoài nhà nước không hề nhỏ, CĐCT đã xây dựng Kế hoạch số 368/KH - CĐCT triển khai Nghị quyết 12b/NQ - BCH của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về BNCQC DN ngoài khu vực nhà nước với mục tiêu tăng tỷ kệ thành lập BNCQC theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của BNCQC bằng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong từng giai đoạn. Cụ thể, mục tiêu của CĐCT từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2018 – 2023, sẽ có trên 70% công đoàn DN ngoài nhà nước thành lập BNCQC; 100% cán bộ công đoàn chủ chốt và trưởng BNCQC DN ngoài nhà nước được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ công tác nữ công. Hàng năm, mỗi BNCQC đăng ký với BCH công đoàn cùng cấp tổ chức ít nhất 1 hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho lao động nữ và thực hiện ít nhất 1 hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nữ công nhân lao động, đoàn viên công đoàn tại đơn vị.
Bà Tạ Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch CĐCT - cho biết \"CĐCT xác định rõ, phải nhanh chóng thành lập, kiện toàn BNCQC của các DN ngoài khu vực nhà nước. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của BCH công đoàn DN, nhất là người đứng dầu trong chỉ đạo hoạt động của BNCQC\". Ngoài ra, phải đưa nội dung chương trình công tác nữ công vào Nghị quyết Đại hội và chương trình công tác hàng năm của BCH công đoàn DN. Nâng cao trách nhiệm tham mưu, phát huy vai trò của BNCQC, khuyến khích ý tưởng của đoàn viên chủ động đề xuất nội dung có lợi hơn cho lao động nữ trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ... \"Có như vậy quyền và lợi ích của NLĐ nói chung và lao động nữ nói riêng mới từng bước được nâng lên, đi sâu vào chất lượng để NLĐ yên tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, của ngành\" - bà Vân Anh nhấn mạnh.
Theo Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BNCQC có nhiệm vụ tham mưu BCH công đoàn nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nữ công nhân lao động; giám sát thực hiện chế độ, chính sách lao động nữ, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân lao động… |