Ngày 21/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ có mặt tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 28-29/3 cho phiên đàm phán tiếp theo, sau đó Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng nhóm đàm phán của Trung Quốc, sẽ tới Washington vào đầu tháng 4, thúc đẩy các phiên đàm phán cuối cùng.
Cả hai bên đang triển khai nhiều hoạt động với mong muốn đạt được một thỏa thuận cụ thể vì thời gian không còn nhiều. Có lẽ ngày 1/7 đang trở thành một giới hạn tương đối khó khăn với vấn đề lớn nhất vẫn là cơ chế thực thi. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giám sát các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu của Washington trong đó vấn đề cải cách chính sách công nghiệp của Trung Quốc - được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự lần đầu tiên.
Washington đã nói rõ rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng phải có khung thực thi cốt lõi, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/3 đã khẳng định rằng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể vẫn duy trì trong một khoảng thời gian đáng kể để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các cam kết của mình.
![]() |
Trong khi đó, Bắc Kinh muốn giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế đang chậm lại của mình. Việc Trung Quốc thông qua luật đầu tư nước ngoài mới tại kỳ họp Quốc hội hàng năm vào tuần nửa đầu tháng 3 mới đây khiến các nhà phê bình cho rằng nước này đã vội vã giải quyết các yêu cầu của Mỹ trong khi Mỹ cũng cảm thấy áp lực về thời gian. Các chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ- Trung cho rằng việc nối lại các cuộc đàm phán sắp tới là dấu hiệu cho thấy hai bên sẵn sàng thu hẹp khoảng cách quan điểm.
Tuy nhiên, Mỹ đã liên tục nhấn mạnh cơ chế xác minh và sử dụng thuế quan trừng phạt như một đối trọng. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận thì vẫn sẽ có những mâu thuẫn và khác biệt về các vấn đề thương mại đòi hỏi họ tiếp tục tương tác, đàm phán và thỏa hiệp.
Bất chấp những yêu cầu của Tổng thống Trump, Allan von Mehren- một nhà kinh tế Trung Quốc tại Copenhagen, nói rằng với áp lực của cuộc bầu cử sắp tới, Tổng thống Mỹ cũng muốn có được một thỏa thuận. Nó được xem như món quà lớn dành cho các cử tri quan trọng ở Mỹ khi chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu rất sớm. Việc không đạt được thỏa thuận có thể gây ra bất ổn trong thị trường tài chính.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ vào tuần trước đó, Đại diện Thương mại Lighthizer hy vọng hai nền kinh tế đang bước vào những tuần đàm phán cuối cùng để có một thỏa thuận - hai bên đã trao đổi các bản nháp của một tài liệu 110 đến 120 trang, nhưng nhấn mạnh rằng vẫn còn những vấn đề lớn chưa được giải quyết có thể làm hỏng cả quá trình đàm phán. Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh theo kế hoạch giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để phê chuẩn thỏa thuận đã bị trì hoãn, Bắc Kinh hiện đang thúc đẩy thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo John Gong, Giáo sư kinh tế của Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc dường như muốn cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra theo nghi thức, trong khi Mỹ chỉ coi đó là cách để tiếp tục thảo luận. Bên phía Trung Quốc lo lắng về chiến thuật đàm phán của Tổng thống Trump vì không thể đoán trước được suy nghĩ của tổng thống Mỹ, nhất là sau khi ông Trump từ bỏ thỏa thuận phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc họp ở Hà Nội. Bắc Kinh dường như muốn tránh bất cứ điều gì tương tự như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và hy vọng rằng trước khi hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung gặp nhau, họ có thể xóa bỏ mọi bất ổn.