Mùa vải mới: Chủ động mở đường tiêu thụ

Vụ vải thiều năm 2015 chuẩn bị bước vào thu hoạch, tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ vải thiều. Đây là nội dung chính diễn ra Hội nghị Bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2015 diễn ra tại Lục Ngạn (Bắc Giang) ngày 11/5.

\"\"

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2014, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh là 32.000 ha, với sản lượng vải thiều đạt 190.000 tấn quả tươi, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 2.368 tỷ đồng. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 8.500 ha, với sản lượng trên 45 nghìn tấn. Do làm tốt công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều nên trong năm qua, thị trường tiêu thụ vải thiều của tỉnh tiếp tục có những bước tiến khả quan. Ngoài thị trường truyền thống trong nước và Trung Quốc; vải thiều của tỉnh còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Singapore, Campuchia,… và vải thiều chế biến được xuất khẩu sang một số nước Châu Âu.

Theo đó, năm 2105 với tổng diện tích gần 32.000 ha, sản lượng toàn tỉnh ước đạt 160.000 tấn quả tươi (thấp hơn so với năm 2104) là 30.000 tấn. Cụ thể với các huyện có sản lượng vải thiều lớn như Lục Ngạn ước đạt 90.000 tấn, Lục Nam 29.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 8.300 tấn…Trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 25.000 tấn (chiếm 16%), vải muộn khoảng 135.000 tấn (chiếm khoảng 84%).

Ông Trần Quang Tấn- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ước tính, vụ thu hoạch vải năm nay, Lục Ngạn sẽ có khoảng 2.000 điểm cân thu mua vải, trong đó có 400 điểm thu mua từ 8 tấn/ngày trở lên. Khoảng 1.000 doanh nhân trong và ngoài nước sẽ tập trung thu mua, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải, giải quyết việc làn cho 5.000 lao động phổ thông (với mức lương từ 5 triệu – 7 triệu đồng). Hiện các ngân hàng trong huyện cũng đã chuẩn bị 3.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu trong vụ vảỉ năm nay.

\"\"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh  trao Văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu

vải thiều Lục Ngạn

Về tiêu thụ theo ông Trần Nguyên Năm – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự báo vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng với khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi). Cũng theo ông Năm, năm 2015, tiếp tục xác định thị trường phía Nam là thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa. Xuất khẩu khoảng 40% ,tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh). Đặc biệt tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, các nước Asean như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng vải thiều, đồng thời bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thu mua nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường mới, khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc...

\"\"

Người dân Lục Ngạn đang chăm sóc vải theo tiêu chuẩn  GlobalGAP

Ông Phan Văn Hùng-  Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, mục tiêu năm 2015 sẽ xuất thử nghiệm những lô vải thiều tươi đầu tiên vào thị trường như Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây sẽ là tiền đề quan trọng để vải thiều Bắc Giang mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế của quả vải thiều, đồng thời tránh phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh khẳng định, để tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong mùa vải thiều năm 2015, các sở, ban, ngành, UBND các huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần tập trung đến khâu chăm sóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả vải bắt đầu được thu hoạch, tạo sự yên tâm, tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm vải thiều của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục mở rộng kết nối doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước để phân phối tiêu thụ vải thiều của tỉnh, tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về thu mua, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều, nhất là tại các cửa khẩu quốc tế.

Về phía Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chủ động phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh đã trao Văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn tại 5 nước là Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản.

Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận