Lạng Sơn: Đưa kinh tế số về nông thôn

Với mục tiêu, trong năm 2021, 50% hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, tham gia giao dịch sản phẩm qua sàn thương mại điện tử (TMĐT), tỉnh Lạng Sơn đang đẩy nhanh triển khai phát triển kinh tế số về nông thôn.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Phát triển kinh tế số nói chung và kinh tế số cho nông nghiệp nông thôn nói riêng, sẽ giúp người nông dân tiêu thụ nông sản đúng mùa vụ, bán được giá và giữ được uy tín, thương hiệu trên thị trường lâu dài. Đây là một chủ trương lớn, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế những năm tới của tỉnh Lạng Sơn. Điều này cũng phù hợp với định hướng chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

Nhiều hộ trồng na tại huyện Chi Lăng đã có cửa hàng số để bán sản phẩm

Để triển khai chương trình phát triển kinh tế số trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn người nông dân đi tiên phong. Trong đợt thí điểm hỗ trợ người dân ở huyện Chi Lăng thiết lập cửa hàng số trên 2 sàn TMĐT voso.vn và portmart.vn cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, đã có hàng nghìn hộ gia đình sản xuất thiết lập được cửa hàng số, đưa sản phẩm hàng hóa của mình lên giao dịch, bán thành công.

Trước mắt, người dân huyện Chi Lăng có thể tham gia kinh tế số, chỉ cần mở cửa hàng, chụp ảnh nông sản (quả na), niêm yết giá bán, địa chỉ hộ gia đình, tài khoản ngân hàng giao dịch trên 2 sàn TMĐT voso.vn và postmart.vn, cam kết bán hàng đúng giá, đúng chất lượng. Dự kiến, sẽ có hàng triệu lượt khách hàng trên cả nước xem hàng và có những đơn đặt hàng/mua hàng, thay vì phải mang sản phẩm ra chợ bán. Toàn bộ khâu vận chuyển, giao nhận đến tay người tiêu dùng khi người dân bán sản phẩm thông qua cửa hàng số sẽ do nhân viên của hai sàn TMĐT này đảm nhiệm. Những bước đăng thông tin bán hàng, nhận tiền hàng, đều được các bên liên quan hỗ trợ người dân thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng của Viettel và Bưu điện Việt Nam.

Theo số liệu thống kê trong đợt thí điểm hỗ trợ các hộ gia đình sản xuất triển khai kinh tế số tại huyện Chi Lăng từ ngày 18/6 - 2/7/2021), đã có 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm của mình, 301 hộ đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Đã có khoảng hơn 1.000 nông dân tại Xã Chi Lăng và Thị trấn Chi Lăng được hướng dẫn và thực hiện thành thạo bán hàng trên không gian mạng...

Từ kết quả tích cực thí điểm phát triển kinh tế số tại cấp xã ở huyện Chi Lăng, mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, triển khai phát triển kinh tế số trong năm 2021 trên địa toàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 20/7 - 20/9/2021, triển khai trên địa bàn 5 huyện gồm: Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan. Từ ngày 20/9 - 20/12/2021, triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại của tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% hộ gia đình sản xuất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử. Tỉnh Lạng Sơn kỳ vọng, việc triển khai phát triển kinh tế số về nông thôn sẽ tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thay đổi tư duy, phương thức, quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản, nâng cao năng suất lao động cho bà con nông dân.

Ông HỒ TIẾN THIỆU - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Viettel Lạng Sơn và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, bố trí tối đa lực lượng chuyên môn đến các địa bàn để triển khai phát triển kinh tế số; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình tạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, kỹ năng mua - bán sản phẩm trên cửa hàng số.

Ngọc Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận