![]() |
Khoa học và công nghệ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa ôtô |
Cụ thể, đến nay, xe bus đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% và mang thương hiệu riêng THACO, trong đó, THACO sản xuất các linh kiện như: Thân vỏ xe, kính, ghế, bộ dây điện, máy lạnh, linh kiện nội ngoại thất… THACO cũng đã thiết kế, chế tạo xe bus theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng trên nhiều loại khung gầm của các hãng Mercedes, Volvo… để xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, trước mắt là Thái Lan và Philippines.
Đối với xe tải, với định vị sản phẩm xe tải chất lượng cao hơn Trung Quốc và giá thành thấp hơn xe tải Hàn Quốc, Nhật Bản, THACO từng bước đầu tư, đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất các dòng xe tải cao cấp nhãn hiệu Mitsubishi Fuso - Nhật Bản và xe tải châu Âu. Đến nay, xe tải do THACO sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 35 - 40%, kế hoạch sắp tới sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa xe tải lên 60%.
Đối với xe con, THACO đang tập trung nội địa hóa xe du lịch Kia với tỷ lệ đạt từ 17 - 22%. Từ năm 2019, tiếp tục phát triển nội địa hóa cho xe du lịch Kia, Mazda với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% vào năm 2020, hướng đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN. "Để có được thành quả này, THACO luôn xác định KH&CN là nền tảng phát triển bền vững, bởi đó là chìa khóa để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng", ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc THACO - khẳng định.
Dựa trên phương pháp quản trị công nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh ôtô được đúc kết qua hơn 20 năm hình thành phát triển và 15 năm đầu tư tại Chu Lai, THACO đã xác định chiến lược sau năm 2018 là trở thành "tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó, lấy cơ khí và ôtô làm chủ lực". Đồng thời, phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh khác như: Nông nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và khu công nghiệp, logistics và thương mại - dịch vụ để bổ trợ cho nhau nhằm cộng hưởng, tạo ra giá trị cộng thêm lớn hơn cho khách hàng.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, THACO tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thực hiện Dự án "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy kéo 4 bánh công suất đến 50HP mang thương hiệu Việt Nam", với tổng kinh phí 193,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước 47,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, THACO cũng đã chuẩn bị các nội dung trình Bộ KH&CN để triển khai thực hiện Dự án "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy gặt đập liên hợp công suất đến 90HP mang thương hiệu Việt Nam".
Đặc biệt, THACO sẽ phát triển Khu công nghiệp cơ khí và ôtô để thu hút các nhà sản xuất cơ khí đến sử dụng chung hạ tầng công nghệ của tổ hợp cơ khí, từ đó hình thành Trung tâm Cơ khí miền Trung, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm cơ khí... Cùng với đó, để nâng cấp toàn diện hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, THACO sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38ha, tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng để hình thành trung tâm thử nghiệm cơ khí và ôtô quốc gia, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động KH&CN, đáp ứng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô Việt Nam.
Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc THACO: Trước sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, KH&CN chính là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh, đồng thời là nền tảng để nâng cao chất lượng sản phẩm. |