Kỳ II: Ngoài dựng rào, trong quăng lưới

Vừa bị cản đường do các rào cản kỹ thuật từ thị trường quốc tế, một số mặt hàng thủy sản, trong đó đặc biệt là cá tra lại vừa “mắc cạn” bởi chính “tấm lưới” do các quy định thiếu thực tế trong nước quăng ra, khiến hoạt động xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn lớn.

\"\"

Giảm thuế nhưng tăng rào cản

Thủy sản được xem là một trong những ngành hàng nông sản có sự chủ động, tích cực chuẩn bị nhất cho hội nhập. Bởi lẽ, ngành hàng này đã có kinh nghiệm từ rất sớm trong việc khai thác lợi ích Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ để tăng XK và bài học đấu tranh với các rào cản từ thị trường lớn nhất này. Hiện nay, cá tra và tôm XK vào Hoa Kỳ đều đang bị áp thuế chống bán phá giá. Tại thị trường khác, Nhật Bản cũng đang áp dụng chính sách kiểm tra dư lượng kháng sinh gây khó cho tôm Việt.

Tuy đã có kinh nghiệm song các chuyên gia thủy sản cho rằng, với hàng loạt các FTA hiện nay, việc vượt qua được các rào cản phi thuế quan để hưởng ưu đãi thuế không phải là đơn giản.

Tiêu biểu, với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần tới 15 nghìn tấn/năm. Chuyên gia thủy sản Ngô Quang Tú cho rằng: Để có được hạn ngạch trong số 10 - 15 nghìn tấn không phải là chuyện đơn giản khi nước này đặt ra các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. Hay như FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, thị trường khối các nước này, đặc biệt là Nga, có quy định rất “rắn” về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhiều DN nghiệp Việt Nam dù đã XK vào Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc và không gặp vấn đề gì về ATVSTP, nhưng lại không được XK vào Nga vì lý do chung chung là không bảo đảm ATVSTP.

Trong XK, thuế quan chỉ ảnh hưởng một phần- đôi khi là rất nhỏ, phần còn lại nằm ở các tiêu chuẩn ATVSTP, ở các hàng rào kỹ thuật (yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển…) hoặc ở các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp…). Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết, với các FTA, giảm thuế XNK cũng không có ý nghĩa lớn bởi các vấn đề kỹ thuật kèm theo rất khắc nghiệt có thể tạo ra nhiều thách thức cho DN chế biến XK.

“Ta ngáng chân mình”

Không chỉ đối mặt với các rào cản từ bên ngoài, các DN thủy sản còn gặp nhiều khó khăn khi thực thi các chính sách, quy định trong nước. Tiêu biểu, theo Điều 7, Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) của Chính phủ về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra, DN muốn XK cá tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu (HĐXK) với Hiệp hội Cá tra để hiệp hội này thẩm định, khi có giấy xác nhận của hiệp hội thì hải quan mới cho thông quan. Mặt khác, từ ngày 1/5/2015, DN phải nộp phí 100.000 đồng/1 HĐXK/1 lần thẩm định cho hiệp hội này.

Nhìn bề ngoài, mức phí trên tuy không có ý nghĩa lớn giá trị kinh tế, song trên thực tế, theo bà Nguyễn Thị Mậu- Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm- Thương mại Ngọc Hà, mỗi năm công ty ký được bao nhiêu hợp đồng sẽ tương ứng với bấy nhiêu lần nộp phí và làm thủ tục đăng ký HĐXK. Do DN đóng tại Tiền Giang nên nhân viên công ty phải tới Cần Thơ- nơi đóng trụ sở Hiệp hội Cá tra để thực hiện thủ tục. Chi phí đi lại đã mất vài triệu/lần, thời gian chờ xác nhận mất thêm 3 - 4 ngày. “Trong bối cảnh XK đang gặp khó khăn, việc thực hiện các thủ tục này khiến DN rất mệt mỏi”- bà Mậu chia sẻ. Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch VASEP băn khoăn: Hợp đồng kinh doanh là bí mật của DN tại sao lại cho hiệp hội- là đại diện của các DN thẩm định? “Căn cứ vào điều gì, vào tiêu chuẩn nào để người ta đồng ý hay không đồng ý cho DN được XK?”- ông Dũng đặt câu hỏi.

Không chỉ bức xúc vì việc thực hiện đăng ký HĐXK, các DN còn phản ứng nội dung của Điều 6 của Nghị định trên. Theo đó, mặt hàng cá tra XK phải tuân thủ quy định mức tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa không vượt quá lần lượt 10% và 83%. Dù đưa ra với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu và giá trị cho cá tra, song nhiều DN cho rằng, quy định này không hợp lý và thiếu thực tế. Ông Dũng khẳng định, mạ băng và đưa nước vào cá tra chỉ để tăng độ cảm quan cho sản phẩm, không ảnh hưởng tới ATVSTP. Đặc biệt, đây không phải là hành vi gian lận thương mại. Bởi lẽ, trên bao bì nhãn mác, nhà sản xuất đã ghi chính xác trọng lượng của sản phẩm (sau khi rã đông).

Nếu thực hiện theo quy định trên, DN buộc phải tăng giá bán. Tuy nhiên, ông Dũng phân tích, cá tra không phải mặt hàng cao cấp, có được chỗ đứng như ngày hôm nay là nhờ lợi thế giá rẻ. Nếu vì thực hiện quy định trên mà tăng giá bán, loại cá này sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. 

Kỳ III: Nguyên liệu- mấu chốt cho xuất khẩu bền vững

Nguyễn Phượng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận