CNHT đang là một trong những ngành công nghiệp được tỉnh ưu tiên phát triển. UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo ngành Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia và phát triển lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng nhiều ưu đãi tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo UBND tỉnh Kon Tum, khó khăn lớn nhất là vị trí, Kon Tum nằm cách khá xa các vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ nên việc kêu gọi các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dù có chính sách thu hút, nhưng đến nay, vẫn chưa có đối tượng tiếp cận và thụ hưởng được những chính sách này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng còn nhiều cá nhân, tổ chức vẫn chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của các nội dung hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh...
Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ hình thành được các cơ sở CNHT đáp ứng khoảng 10% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này cũng như phát triển doanh nghiệp bền vững, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đặc biệt hình thành những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ 50 - 100% chi phí để xúc tiến các hoạt động liên kết kinh doanh, sản xuất, cung ứng và liên kết ngành. Cụ thể, được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đề thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, và tư vấn về xây dựng dự án liên kết kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành…
Với những chính sách cụ thể, tỉnh Kon Tum kỳ vọng đến năm 2025, sẽ hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; điện; du lịch sinh thái Măng Đen), tạo tiền đề vững chắc để phát triển doanh nghiệp vệ tinh (doanh nghiệp CNHT).
Kon Tum đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CNHT cho các ngành công nghiệp, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm gồm: Ngành dệt may - da giày; linh kiện, phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử; công nghiệp công nghệ cao. |