Bất động sản công nghiệp hút nhà đầu tư
Theo dự báo của các chuyên kinh tế và bất động sản trong nước và quốc tế, trong năm 2019, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ hút dòng vốn FDI và đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, việc phát triển các khu công nghiệp theo đó cũng phải đồng bộ hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là bởi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTAs nên dòng vốn FDI sẽ đổ về nhiều hơn.
![]() |
Trong năm 2019, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục hút vốn FDI |
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước khác (trong đó, chủ yếu là từ Trung Quốc) đến Việt Nam để xây dựng nhà máy ngày càng gia tăng… Đây là điều kiện thuận lợi cho BĐS công nghiệp phát triển.
Đặc biệt, chủ trương của Chính phủ tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác… điều này sẽ thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp phát triển.
Không nằm ngoài các dự báo này, ngay dịp đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI trong đó có các nhà phát triển BĐS công nghiệp đã tăng tốc đầu tư để đón những cơ hội mới.
Đơn cử, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW (Liên doanh của Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus LLC, Hoa Kỳ) vừa được tỉnh Bình Dương cấp phép cho 2 dự án có mục tiêu hoạt động là kinh doanh bất động sản tại Khu công nghiệp Thới Hòa với tổng diện tích đất sử dụng là hơn 38 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 105 triệu USD. Các dự án này sẽ cung cấp diện tích hơn 20 ha nhà xưởng sản xuất, văn phòng cho thuê…
![]() |
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Bình Dương cho các doanh nghiệp FDI |
Mới đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã cấp chủ trương đầu tư cho dự án nhà ở xã hội do Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam (Đài Loan) làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng vốn đầu tư đăng ký 129 tỷ đồng, có mục tiêu hoạt động xây dựng chung cư, tạo chỗ ở cho hàng ngàn công nhân đang làm việc tại nhà máy ở KCN Phú Mỹ II.
Đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng
Theo ông Hiroshi Matsumura, Tổng giám đốc Công ty CP Marubeni Corporation (Nhật Bản), Công ty quyết định đầu tư Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với số vốn 115 triệu USD tại Khu công nghiệp Phú Mỹ III, với mục đích sản xuất các sản phẩm cà phê chiết xuất từ nguyên liệu hạt cà phê nhân thô, theo loại hình chế xuất trong khu công nghiệp.
“Ngoài những yếu tố thuận lợi như cơ sở hạ tầng tốt, gần cảng biển thì việc quyết định đầu tư nhà máy với vốn đầu tư khá lớn, do lĩnh vực mà DN đầu tư cũng được cho là có nhiều lợi thế khi Việt Nam tham gia nhiều FTAs” - ông Hiroshi Matsumura nhấn mạnh.
Trong dịp đầu năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã trao nhiều chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đầu tư hơn 162 triệu USD.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương - Nguyễn Thanh Trúc - cho biết, tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới vừa được tổ chức, đã có 4 dự án FDI của 3 nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 175 triệu USD.
Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm, ngoài dự án có quy mô vốn lớn trong lĩnh vực BĐS công nghiệp, các dự án trong lĩnh vực dệt may là lĩnh vực có nhiều lợi thế khi nước ta tham gia Hiệp định CPTPP tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tăng đầu tư…
![]() |
Lĩnh vực dệt may được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tăng đầu tư |
Đơn cử, như dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Bàu Bàng có mục tiêu hoạt động là sản xuất sợi cotton, sợi blended yarn… với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 40 triệu USD.
Dự án trước đó của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc là sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim, vải đan móc, vải không dệt khác; hoàn thiện sản phẩm dệt…có quy mô sản xuất khá lớn: Sản xuất sợi 30.000 tấn/năm, sợi cotton 6.000 tấn/năm, vải, nhuộm vải 18.825 tấn/năm, nhuộm sợi 7.300 tấn/năm, in trên vải 138.000 yard/năm, dệt kim và dệt thoi 10.950 tấn/năm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, chỉ tính trong tháng đầu tiên của năm 2019, Đồng Nai đã thu hút được hơn 52 triệu USD vốn FDI. Trong đó cấp mới 7 dự án với tổng vốn 24,5 triệu USD; 4 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 27,9 triệu USD. Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng và linh kiện ô tô (Hàn Quốc) tại KCN Nhơn Trạch 6 với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 19 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH V - Stainless Steel (Nhật Bản) tại KCN Amata với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 8,6 triệu USD…