Liên kết tạo nên sức mạnh
Phát biểu khai mạc tọa đàm, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhấn mạnh: "Liên kết để cùng tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh".
![]() |
Theo ông Tuấn, câu hỏi đặt ra hiện nay là: "Vì sao sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vẫn chưa chặt chẽ và cần phải làm gì, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ liên kết đó?"
Chính vì vậy, cuộc tọa đàm tập trung thảo luận sâu nhằm tìm lời giải cho 2 câu hỏi lớn: Một là, liệu có thể tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam với nhau và làm gì, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ liên kết đó?
Hai là, làm gì và làm thế nào để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn đầu trong kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp? Làm gì để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thông qua việc nâng cao khả năng cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, dịch vụ logistics… của các doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Doanh nghiệp nhỏ có thể núp dưới bóng người khổng lồ
Ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi về thương hiệu, vì vậy chúng ta cần có nhận thức đúng về giá trị thương hiệu, đặc biệt lãnh đạo doanh nghiệp càng cần nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
Hiện nay chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong vấn đề thương hiệu Việt. Đó là vấn đề quy mô nhỏ, đơn lẻ; vấn đề chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt.
Những khó khăn này đang hiển hiện trong thực tế. Cùng với đó, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế. Chúng ta còn yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu. Nếu nhận thức thương hiệu là công cụ kinh doanh thì doanh nghiệp phải biết mài sắc nó.
Điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là câu chuyện thời gian và nguồn lực cho kết nối thương hiệu Việt. Doanh nghiệp cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu Việt còn yếu là do thiếu vai trò của các hiệp hội và ngành hàng. Gần đây, chương trình Thương hiệu quốc gia nhắc tới vai trò của các hiệp hội và ngành hàng đối với kết nối thương hiệu Việt. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng đang đặt ra vấn đề lớn cho xây dựng thương hiệu.
"Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cho câu chuyện kết nối thương hiệu Việt như sau: Đầu tiên là ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng.
Nên tạo đột phá từ lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp theo là kết nối tam giác nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Tiếp cận với khái niệm thương hiệu chủ lực, từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực đến thương hiệu chủ lực.
"Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tàu phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện chiến lược núp bóng ông lớn, đứng dưới bóng người khổng lồ" - ông Trường nhấn mạnh.
Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, liên tục
Về việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: "Quan điểm của Tân Hiệp Phát là không thể đi một mình để phải triển mà phải có sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng".
Bên cạnh đó, bà Uyên Phương nhấn mạnh: “Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, là đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Bản thân Tân Hiệp Phát muốn xây dựng một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm. Nay Tân Hiệp Phát mới được 25 năm nhưng chúng tôi tự tin xây dựng được thương hiệu 100 năm”. Theo bà Uyên Phương, Tân Hiệp Phát cần tới 10 năm để xây dựng công nghệ chiết vô trùng, và biến công nghệ này thành xu thế ở Việt Nam. Rõ ràng, thay đổi một cách nhìn nhận còn cần sự nỗ lực dài hơi.
Một đề tài Tân Hiệp Phát muốn các quản lý cấp cao nhìn thấu để thay đổi ngoài thay đổi công nghệ 4.0, đó là dịch chuyển trong kinh doanh dẫn tới dịch chuyển trong cấu trúc. Khi bộ máy quá nặng nề thì không hỗ trợ được dịch chuyển trong kinh doanh. Nhưng muốn dịch chuyển trong cấu trúc thì cần dịch chuyển trong văn hoá. Và muốn dịch chuyển trong văn hoá thì cần dịch chuyển trong lãnh đạo, mà cụ thể ở đây là trong nhận thức của những người làm lãnh đạo.
![]() |
Trước câu hỏi việc làm thương hiệu là học hỏi hay bắt chước? Phó Tổng hiám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay, học thì có giải pháp còn bắt chước là làm y như đơn vị khác. "Đó là vì sao tôi đã xuất bản cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”", bà Uyên Phương chia sẻ.
Bà Uyên Phương cho biết: "Các bạn học của tôi ở nước ngoài rất ngạc nhiên, họ không tin rằng 1 doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát có thể vượt lên người khổng lồ trong ngành nước giải khát của thế giới. Bản thân tôi cũng băn khoăn là có nên chia sẻ câu chuyện này với thế giới. Cuối cùng tôi đã quyết định chia sẻ, làm sao để một doanh nghiệp địa phương có thể gây dựng được thương hiệu như vậy".
Xây dựng thương hiệu cần gắn kết với vấn đề tài chính
PGS.TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp nhận định, ẩn sau chữ thương hiệu là các sản phẩm, các doanh nghiệp, tập đoàn. Ông đưa ra ví dụ: "Mercedes-Benz không phải một hãng, mà là một thương hiệu. Mercedes-Benz có nhiều nghìn doanh nghiệp liên kết, cung cấp dịch phụ, sản phẩm phụ trợ và trở thành một chuỗi cung ứng trên toàn thế giới". Thực tế, Mercedes-Benz chỉ là tên một thương hiệu sản phẩm của Tập đoàn Daimler AG.
“Ở Việt Nam, câu chuyện không dừng lại ở xây dựng thương hiệu theo hàng dọc hay hàng ngang, mà quan trọng hơn là thực hiện theo phương thức gì. Theo tôi quan trọng nhất là gắn kết về tài chính. Người Việt thiếu lòng tin về các mối quan hệ tài chính kiểu đó. Do đó, tôi cho rằng cần nâng cao công tác truyền thông, để người dân hiểu được tầm quan trọng của quản trị tài chính cá nhân", ông Tuất nhấn mạnh.