![]() |
Chế biến thủy sản xuất khẩu |
Xuất khẩu tăng lượng, thiếu chất
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011 - 2016, tăng trưởng XK đạt bình quân hơn 16%/năm, tăng gần 80 tỷ USD, từ 96,9 tỷ USD năm 2011 lên 176,6 tỷ USD vào năm 2016. Cơ cấu hàng hóa có chuyển dịch theo hướng tích cực khi nhóm công nghiệp chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao với 80,3%; nhóm nông - thủy sản giảm còn 12,6%; nhóm nhiên liệu khoáng sản chỉ còn 2%. Năm 2016, cả nước có 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm khoảng 88% tổng kim ngạch XK.
XK tiếp tục là điểm sáng trong 7 tháng đầu năm khi kim ngạch tăng 18,7%, đạt 115,2 tỷ USD; trong đó, nhóm công nghiệp chế biến chiếm 80,4%, nông - lâm - thủy sản chiếm 12,3%, nhiên liệu, khoáng sản chiếm 2,3%, còn lại là các hàng hóa khác. Kim ngạch XK tăng mạnh thời gian qua đã trở thành một trong những động lực quan trọng phát triển nền kinh tế nước ta, tuy nhiên, hoạt động XK còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhìn nhận: Các mặt hàng công nghiệp chế biến đang đứng ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị chung khi DN Việt Nam chủ yếu đang làm gia công. Sản phẩm nông sản chủ yếu XK thô, chưa có thương hiệu nên dễ rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá.
Ngoài ra, kim ngạch XK còn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp (DN) FDI, nhưng khối này chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo được DN trong nước tham gia vào chuỗi. Chưa kể, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên dẫn đến tình trạng DN phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu từ nước ngoài.
Những giải pháp cụ thể
Hướng tới XK bền vững, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế XK; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông - thủy sản XK chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng XK nông - thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…); phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020.
Hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và quản trị tiên tiến theo hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng chiến lược XK hàng hóa phù hợp với từng thị trường và năng lực của DN; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu. Tạo thuận lợi cho DN tăng cường các mối liên kết giữa DN cung ứng nguyên phụ liệu với DN sản xuất sản phẩm cuối; giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - bảo quản - tiêu thụ; giữa nhà nông - DN - nhà nước - nhà khoa học (trong nông nghiệp) và giữa DN trong nước với DN nước ngoài… Hỗ trợ DN thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt của đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức và XK. Cụ thể, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa. |