Heo đất rộn ràng về phố đón Xuân Kỷ Hợi

Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành trên đất Bình Dương, làng nghề làm heo đất (lợn đất) tập trung hầu hết ở khu vực Lái Thiêu, Tân Uyên. Năm nay làng nghề làm heo đất ở Bình Dương lại ăn nên làm ra, tất bật hơn bao giờ hết để sản xuất hàng cung cấp cho thị trường dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Ngoài chức năng lợn đất giữ tiền cho trẻ con, năm nay hình ảnh chú lợn đất cũng được dùng trang trí khắp mọi nơi nên nhu cầu tăng lên rất nhiều.
\"heo
Những chú heo xinh xắn là linh vật của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Năm nay Tết cổ truyền Kỷ Hợi với linh vật là chú heo nên thị trường rất hút hàng. Tại cơ sở sản xuất heo đất của chị Nguyễn Thị Tám (Lái Thiêu) trong những ngày này đang phải huy động hết công suất. Với 10 công nhân làm liên tục các công đoạn sơn, vẽ họa tiết, trang trí để kịp giao hàng cho thương lái. Trung bình những ngày này phải giao cho khách hàng hơn 1.000 con heo đất/ngày. Đơn hàng về nhiều hơn mọi năm, mẫu mã cũng đa dạng hơn nên các cơ sở cũng phải tranh thủ sản xuất liên tục mới mong giao hàng kịp cho khách vào dịp Tết.

\"heo
Làng nghề làm heo đất ở Lái Thiêu tất bật trong những ngày giáp Tết
\"heo
Những chú heo đất nung thô chờ được trang trí tô vẽ

Để cho ra đời một chú heo đất hoàn chỉnh phải trải qua khoảng 10 công đoạn. Đầu tiên đất sét được đổ vào bồn cùng nước và keo để nhào nặn cho dẻo và có độ gắn kết, sau đó hỗn hợp này được đổ vào khuôn hình tạo sẵn. Sau hơn tám giờ đồng hồ các chú heo được lấy ra khỏi khuôn, xếp vào lò nung. Trải qua khoảng 12 giờ nung trong lò sau đó các chú heo đất thô sẽ được bàn tay các họa sĩ tô vẽ mắt, mũi, trang trí thân hình rất tỉ mỉ, tạo linh hồn và sức sống cho con heo đất với nhiều màu sắc bắt mắt, vui nhộn. Hơn nữa, do công đoạn trang trí được thực hiện thủ công nên mỗi chú heo đều có những nét mặt, ánh mắt, chi tiết trang trí khác nhau.

\"heo
Tạo dáng, thổi hồn vào những chú heo bằng nét vẽ công phu của người thợ thủ công

Trước đây các hộ gia đình sản xuất có cả lò nung heo đất bằng thủ công, tạo hình bằng đất sét, đổ khuôn, nung, sơn phết, trang trí... đủ tất cả các công đoạn cho ra một chú heo đất. Tuy vậy, sau này với việc hạn chế các lò nung thủ công gây ảnh hưởng đến môi trường, số lò ít dần vì thế các cơ sở sản xuất thường tập trung sản phẩm thô tại một số điểm để sử dụng lò nung công nghiệp. Hiện địa phương đang vận động các cơ sở làm heo đất chuyển đổi từ lò đốt củi sang đốt bằng gas. Nhưng việc chuyển đổi lại hệ thống khá tốn kém nên chỉ cơ sở nào mạnh vốn mới có thể đầu tư và tiếp tục phát triển quy mô sản xuất.

\"heo
Sản phẩm thành phẩm chờ giao cho khách hàng

Dạo quanh các cơ sở sản xuất heo đất ở thị trấn Lái Thiêu mới cảm nhận được hết không khí hối hả, tất bật trong những ngày giáp Tết này. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, heo đất Bình Dương còn được xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Thái Lan.

Thanh Thanh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận