Đây là thông tin ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - cho biết về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay.
![]() |
Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương Hậu Giang phối hợp cùng các đơn vị trong tỉnh thực hiện kiểm tra tại các cửa hàng, chợ, siêu thị trên địa bàn |
Theo ông Thậm, từ cuối tuần trước, số lượng khách hàng ra các chợ, hệ thống siêu thị mua thực phẩm và đồ dùng khá đông. Những sản phẩm tiêu thụ nhiều nhất là gạo, mì gói, sữa, các loại thực phẩm đóng gói, rau, củ, quả, thịt heo… Ngoài các mặt hàng nông sản tươi sống, các loại hàng hóa chế biến sẵn, đóng gói và gạo cũng ghi nhận có số lượng bán ra tăng cao. Tuy nhiên giá cả các mặt hàng hầu như không có biến động, nhất là đối với hàng chế biến sẵn.
![]() |
Một cửa hàng báo cáo về tình hình cung ứng hàng hóa với đoàn kiểm tra |
Trước tình hình sức mua gia tăng ở các chợ, siêu thị, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh, buôn bán, cung ứng hàng hóa ngay trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, nhằm kịp thời xử lý khi có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh gây bất ổn thị trường, găm hàng, tăng giá bán đột biến. Mặt khác, Sở cũng kiểm tra, chấn chỉnh những nơi mua bán thực hiện nghiêm các công tác phòng, chống dịch, bởi đây là những nơi có lượng người tập trung đông và hoạt động thường xuyên để cung ứng hàng hóa thông suốt phục vụ cho người dân.
![]() |
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một cửa hàng gạo |
“Hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu cho bà con, từ thực phẩm công nghệ đến rau, củ, quả, thịt các loại, chưa có hiện tượng găm hàng. Để có nguồn hàng đầy đủ, ngành Công Thương tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp phân phối đã xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa và bình ổn giá cả. Do đó, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu tích trữ, dễ dẫn đến hết hàng cục bộ. Lúc này người tiêu dùng giữ bình tĩnh, mua sắm hợp lý cũng là góp phần phòng, chống dịch”, ông Thậm cho biết thêm.
Được biết, tại Hậu Giang, ngoài hệ thống 72 chợ truyền thống, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng bách hóa, phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, các đơn vị này vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay... Một số đơn vị còn tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, giao hàng tận nhà góp phần hạn chế tụ tập đông người tại các điểm bán hàng.
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra cung ứng hàng hóa |
Về hàng bình ổn, hiện nay đã có 9 đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa là 8.151 tấn, giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cũng triển khai xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo 5 cấp độ phòng chống dịch với tổng giá trị trên 400 tỷ đồng.
Cùng với đảm bảo cung ứng hàng hóa, ông Thậm cho biết, việc đảm bảo an toàn sản xuất cũng là mối quan tâm hàng đầu của Hậu Giang. Theo đó, từ tháng 6 tới nay, tỉnh đã tổ chức 3 đợt diễn tập phòng chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu mỗi doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh phải có kế hoạch nhanh chóng xây dựng, bố trí khu cách ly tạm thời cho người lao động tùy theo điều kiện và đặc điểm của từng doanh nghiệp.
Trong làn sóng dịch lần thứ 4, tỉnh Hậu Giang đối diện với 4 nguy cơ: Dịch xâm nhập từ bên ngoài, thiếu test xét nghiệm, khu cách ly tập trung, tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Do đó, Hậu Giang đang nâng cao năng lực xét nghiệm, xây dựng phương án nâng khả năng điều trị cho 1.000 người bệnh. Chủ động chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, chuẩn bị hậu cần cho tình huống dịch xấu nhất. Tất cả phải chủ động ở mức độ cao nhất để ứng phó các tình huống dịch xảy ra. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).