Với Mục tiêu “Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712).
Chương trình 712 có 09 dự án thành phần, trong đó 08 dự án do các Bộ chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải và Dự án 9 do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì. Sau 10 năm triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
![]() |
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định khẳng định - Hoạt động của chương trình 712 trong 10 năm qua luôn bám sát mục tiêu và đạt mục tiêu đề ra, hoạt động chính và là điểm nhấn của chương trình chính là hỗ trợ ác DN nâng cao năng suất chất lượng thông qua các giải pháp công cụ cải tiến năng suất, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý. Đa dạng hóa các loại hình DN, các Tổng công ty, các DNNVV, từ DN sản xuất công nghiệp đến các DN sản xuất chế biến nông sản, nông nghiệp. Các hệ thống công cụ cải tiến năng suất tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu và triển khai áp dụng tại Việt Nam cho các DN đã hỗ trợ vào việc nâng cao công tác quản lý sản xuất và kinh doanh của DN; Thu hẹp khoảng cách cho DN với khu vực và trên thế giới. Việc triển khai chương trình luôn gắn liền với nghị quyết của Đảng của Chính phủ việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thúc đẩy tăng năng suất lao động. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của chương trình lồng ghép vào các dự án chương trình phát triển kinh tế xã hội khoa học công nghệ khác đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động nâng cao năng lực cạnh tranh của DN đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chương trình 712, TS.Hà Minh Hiệp- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng đã khẳng định:cùng với các địa phương có nhiều doanh nghiệp như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh thì Bộ Công Thương đã triển khai tích cực trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, có thể nói đã đóng góp vào thành công của chương trình. Bên cạnh đó, Chương trình đã xây dựng được hệ thống gồm hơn 8000 Tiêu chuẩn trong tổng số hơn 13.000 Tiêu chuẩn kỹ thuât của Việt Nam đóng góp trên 65% số lượng các Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và đạt tỷ lệ hài hòa trên 60% với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực
Thành công nữa phải kể đến là Chương trình đã có sự tham gia của hơn 1.000 tổ chức đánh giá chứng nhận phù hợp, hơn 4 vạn học viên của hơn 1.000 khóa đào tạo cùng sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, chuyên gia tham gia chương trình trong việc tư vấn, xây dựng “tủ sách” hướng dẫn, giới thiệu các công cụ cải tiến, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Công tác truyền thông cũng đã được đẩy mạnh với hàng nghìn bài viết, phóng sự.... được tuyên truyền trên các kênh truyền thông như: VTV, VTC, Báo in, báo điện tử, trang mạng xã hội.... trong năng suất thì truyền thông là một trong 4 trụ cột được các quốc gia sử dụng và đánh giá cao vai trò của nó trong việc góp phần vào thành công của chương trình.
![]() |
Bộ KH&CN chuyển giao bộ sách năng suất chất lượng cho các hiệp hội, viện, trường, doanh nghiệp |
Chương trình cũng đã tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 07 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện; Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng đã bước đầu được hình thành và phát triển ở các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; Nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng ở các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên; Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên, giảng viên một số trường Đại học, cao đẳng trong cả nước đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả và khả năng nhân rộng của hoạt động này....
Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng chất lượng Quốc gia... đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Đây là kết quả rất quan trọng vì Quan điểm chủ đạo của Chương trình là “Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của năng suất dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo kết nối các hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động ngày 31/8 /2020 Chương trình 1322 đã tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chia sẻ về những nội dung chính sẽ được triển khai trong Chương trình 1322, ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng cho biết- Chương trình 1322 là kế tiếp Chương trình 712 nó sẽ là một trong những cơ hội cho các DN tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng một cách hiệu quả và tiếp tục tiếp cận các công cụ quản lý, cải tiến tiên tiến trên thế giới. Cách triển khai dựa trên kế thừa của Chương trình 712 và thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền quảng bá để Chương trình được lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến các DN, hiệp hội ngành nghề, liên minh hợp tác xã để tất cả các đối tượng DN được tiếp cận các công cụ này. Đồng thời chúng tôi sẽ đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ về số lượng và có trình độ ngang tầm quốc tế về năng suất để triển khai việc nâng cao năng suất tại DN và năng suất của nền kinh tế.
Tại Hội nghị lần này, bên cạnh việc tổng kết Chương trình giai đoạn 2010-2020, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố khởi động triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020.