Gỡ khó “cứu” doanh nghiệp vận tải

Lượng khách thì giảm mạnh, nguy cơ dịch bệnh luôn treo lơ lửng trên đầu, vận tải khách, taxi đang lâm vào tình cảnh… vừa chạy vừa run. Để trụ vững trước tác động của dịch bệnh, ngoài nỗ lực bản thân, các doanh nghiệp đang rất cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực từ như giảm thuế, phí để vượt qua cơn “khủng hoảng” này.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 như cú “knock out” đối với doanh nghiệp vận tải hành khách, taxi khi phần lớn doanh thu sụt giảm vì toàn bộ hoạt động vận tải nói chung hầu như đóng băng. Ông Dương Chí Thanh – Phó giám đốc G7 Taxi cho biết, đợt dịch Covid-19 từ kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp. Toàn hãng có hơn 2.000 xe chạy, thời gian qua lượng xe hoạt động chỉ đạt khoảng 20%, số lượng tài xế xin nộp đơn nghỉ việc thời gian này cũng tăng vọt so với trước. Trong khi một số chi phí cho xe hoạt động tăng, lượng khách được phép chở bị khống chế dưới 50%.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều khoản thuế phí, lương nhân viên... Doanh nghiệp vẫn phải giữ lao động, nếu để cho lao động nghỉ việc thì khi hoạt động trở lại sẽ rất khó khăn để tuyển người. Chúng tôi cũng không biết có thể cầm cự được đến bao giờ và không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc” - ông Thanh lo ngại.

Lượng khách taxi giảm 80-90% vì dịch Covid-19
Lượng khách taxi giảm 80-90% vì dịch Covid-19

Cũng trong cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Huy, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho biết, năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát vào khoảng tháng 3 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, ít nhất doanh nghiệp cũng đã có doanh thu vào dịp Tết. Năm 2021, dịch bùng phát đúng thời điểm trước Tết đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của công ty, doanh thu giảm 60 - 70%. Tuyến vận tải khách liên tỉnh của doanh nghiệp đang có 15 xe vận chuyển khách chạy tuyến từ Hà Nội các tỉnh phía Bắc, dịp Tết vừa qua, lượng khách đăng ký vé khá đông, các chuyến gần như được lấp kín, nhưng dịch Covid-19 bùng phát ngay cận Tết khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Khách lần lượt trả vé dù đã đặt cọc tiền, những khách chưa đi thì hủy chuyến gần hết.

Đợt này dịch bùng phát trở lại ngay sau nghỉ lễ, kéo dài đến giữa tháng 6 vẫn chưa hết, lượng khách di chuyển ít hơn do mọi người cũng lo ngại dịch bệnh phức tạp. Xe “đắp chiếu” nằm lâu tại bến bãi, đơn vị vẫn phải chi trả phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện trung bình là 400.000 đồng/tháng, trong khi chưa có chính sách miễn, giảm khoản phí bảo trì này khiến doanh nghiệp càng thêm chồng chất khó khăn.

Có những chuyến xe chỉ có khoảng 5 – 10 khách đi, chi phí bỏ ra rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải chạy vì đã nhận khách từ trước. Tàu hỏa, máy bay có thể dồn chuyến nhưng xe ô tô rất khó vì người đi đến các tỉnh rải rác với thời gian khác nhau. Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ phòng dịch cho anh em lái xe vẫn được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ” – chủ doanh nghiệp cho hay.

Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết sụt giảm 50% doanh thu vận tải hành khách năm tháng đầu năm 2021 do người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách, vì vậy lượng khách đi tàu sụt giảm nghiêm trọng.

Hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Lượng hành khách giảm đến 80 - 90%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải có đề xuất được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 và không tính lãi chậm nộp.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.

Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, xe ô tô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến hết ngày 31/12/2021…

Thu Trang – Hoàng Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận