Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết vượt thách thức

Đất đai rộng lớn, bằng phẳng với gần 18 triệu dân, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu đã được xác định là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Song, sau trận hạn, mặn lịch sử vừa qua, cùng với nhiều thách thức khác ngày càng gay gắt hơn, tương lai ĐBSCL sẽ ra sao?
\"\"
Cá tra - thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra hai thách thức lớn mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt: Biến đổi khí hậu và “nội lực” tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa - hội nhập kinh tế.

Nhìn dưới góc độ phân bố vùng kinh tế, vị thế của ĐBSCL được xác lập bởi nhiều con số lớn, gồm: 13 tỉnh, thành phố; diện tích đất liền 39.712 km2 (chiếm 12,1% diện tích cả nước); hải phận rộng trên 360 nghìn km2; chiếm hơn 19% dân số cả nước; chiếm 13% diện tích cả nước (riêng cây lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo toàn vùng chiếm 90% sản lượng; thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước)...

ĐBSCL có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển vườn cây ăn trái, mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước và mở rộng giao lưu với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, xét về phương diện thu nhập thực tế, ĐBSCL lại nghèo hơn cả nước: Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 40,2 triệu đồng/người/năm (cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm). Nguyên nhân “nghèo khó” của ĐBSCL đã được chỉ ra từ lâu: làm nông nghiệp nhiều nhưng năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó là nhiều khó khăn khác: sức cạnh tranh của nông nghiệp thấp, chi phí lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao ít, hạ tầng tuy được đầu tư nhưng so với yêu cầu vẫn còn thấp kém, đặc biệt là hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nhìn từ góc độ “nội lực vùng”, thách thức lớn nhất với ĐBSCL chính là thiếu hụt cơ chế liên kết vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Nền kinh tế của 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL cộng lại vẫn không phải là nền kinh tế lớn của cả vùng đồng bằng, ngược lại còn có nguy cơ cản trở và làm suy yếu lẫn nhau.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự liên kết vùng yếu kém, không tạo ra sức mạnh tổng hợp để có những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Từ nhiều năm trước, nhìn từ góc độ “nội lực vùng”, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị: thách thức lớn nhất với ĐBSCL chính là thiếu hụt cơ chế liên kết vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Nền kinh tế của 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL cộng lại vẫn không phải là nền kinh tế lớn của cả vùng đồng bằng, ngược lại còn có nguy cơ cản trở và làm suy yếu lẫn nhau.

Một vài nét cho thấy tiềm năng và thách thức đối với một vùng kinh tế trọng điểm không hề nhỏ. Một tin vui đã đến với ĐBSCL mang lại những hy vọng về sự thay đổi căn bản của kinh tế vùng: quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quy chế này quy định thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

Theo Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, có 3 lĩnh vực liên kết:

Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng gồm: lúa gạo, trái cây và thủy sản.

Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng sông, cảng biển.

Có thể nói, việc nhân rộng mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp theo Quy chế là hướng đi đúng, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL có hiệu quả cao. Việc lựa chọn các chương trình, dự án liên kết phát triển sản xuất có tính chất lan tỏa trên địa bàn các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó là sự lựa chọn, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, mô hình điểm chuyên canh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

Có rất nhiều mô hình liên kết được chỉ ra: Liên kết nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết nông dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa; thực hiện liên kết xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; liên kết trong nghiên cứu, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm...

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, sự sắp xếp, lựa chọn, xây dựng một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực liên kết nêu trên có tác động lan tỏa, tạo đột phá thu hút đầu tư, làm động lực phát triển vùng...

Theo Quy chế, ngân sách Trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết khi có đủ điều kiện đầu tư theo quy định. Sẽ xây dựng kế hoạch vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và tín dụng ưu đãi của nhà nước theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án liên kết. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước để triển khai các chương trình, dự án liên kết theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP)...

Điểm tựa đã có, con đường liên kết vùng đã được chỉ ra, vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự quyết tâm của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Tương lai của ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào “nội lực” của chính mình.

Trần Phương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận