Điểm sáng nông, thủy sản

Không ngừng mở rộng mặt hàng và thị trường, nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam đã có một năm thành công khi mang về cho đất nước hơn 22 tỷ USD. Hơn thế, nhiều loại nông sản Việt Nam tiếp tục giữ vị thế hàng đầu tại một số quốc gia trên thế giới.
\"\"
Xoài Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu 2016 của Bộ Công Thương, năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015, chiếm 12,6% tỷ trọng xuất khẩu cả nước. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, thủy sản Việt Nam (chiếm 25,4%) với kim ngạch đạt 5,62 tỷ USD. Đứng vị trí thứ 2 là khu vực EU với giá trị xuất khẩu 3,71 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2015; tiếp đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam (chiếm khoảng 15%) với 3,35 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm trước đó.

Về mặt hàng, năm 2016, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm ngành này đều đạt mức tăng trưởng dương so với năm 2015. Cụ thể, thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò “anh cả” dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp khi đã đạt kim ngạch xuất khẩu 7,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015.

Đánh giá riêng về ngành hàng này, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu thủy sản năm 2016 của Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn về thị trường như nhu cầu thấp, cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu khác và rào cản kỹ thuật, thương mại tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung và các sản phẩm thế mạnh như tôm và cá tra nói riêng chưa xây dựng được thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu, chưa có chiến lược tuyên truyền quảng bá dài hạn nên dễ bị tổn thương bởi hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí của đối thủ cạnh tranh.

“Nốt nhạc” quan trọng thứ hai trên nền bản giao hưởng xuất khẩu là cà phê với kim ngạch 3,34 tỷ USD, tăng 24,9%, tiếp đó là hạt điều với kim ngạch 2,84 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước đó. Nếu tính cả các sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều, cardanol...), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 3,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kể từ năm 2006, Việt Nam là nước chế biến, xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm 28% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu năm 2016.

Theo sau 3 ngành trên là các nhóm mặt hàng khác cũng đều có mức tăng trưởng ấn tượng như: Rau quả 2,5 tỷ USD, tăng 33,6%; hạt tiêu 1,43 tỷ USD, tăng 13,5%; cao su 1,67 tỷ USD, tăng 9,2%; chè 217 triệu USD, tăng 2,1%;....

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,3 tỷ USD, chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, năm qua, nhóm các mặt hàng này đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, góp phần quan trọng giữ thăng bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nhiều sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tiếp tục khẳng định được chỗ đứng, thị phần tại các quốc gia lớn trên thế giới. Đây là minh chứng khẳng định rõ nét những nỗ lực nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hóa… của Chính phủ và doanh nghiệp trong năm 2016 đạt hiệu quả cao.

TIN LIÊN QUAN
Ngành hàng công nghiệp chế biến: ​Đầu tàu xuất khẩu 2016
Hiệu ứng lớn từ chính sách xuất nhập khẩu
Nguyễn Phượng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận