Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông: Thiếu cả vốn và cơ chế

Để phát triển hạ tầng giao thông 5 năm tới, Việt Nam cần tới 48 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn cho lĩnh vực này từ ngân sách hay vốn ODA đều không đủ.
\"\"
Nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn.

Nhu cầu cao, vốn ít

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - dẫn con số được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tính toán: Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 dự kiến là hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD Mỹ). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 376.000 tỷ đồng (gồm trái phiếu Chính phủ), chiếm 37,2%; vốn ODA là 285.000 tỷ đồng, chiếm 28,2%; vốn huy động ngoài ngân sách là 348.000 tỷ đồng, chiếm 34,4%. Dù vậy, trên thực tế, với hạ tầng giao thông trong nước chưa đồng bộ, năng lực kết nối chưa cao thì việc tìm nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này không hề đơn giản. Đặc biệt, với nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ngày một lớn như hiện nay thì khả năng ngân sách và vốn ODA khó đáp ứng.

Theo Trưởng Ban quản lý Đầu tư các dự án đối tác công tư - PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho giao thông khoảng 1.015 nghìn tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 28%.

Trước thực tế này, ông Trần Bắc Hà cho rằng: Trong bối cảnh năng lực tài trợ từ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách bị thu hẹp, yêu cầu quản lý rủi ro nợ công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tăng cao thì đột phá về thể chế chính sách nhằm khuyến khích khu vực tư nhân trong, ngoài nước tham gia phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam cần được đặt ra. Tại Hội thảo “Vốn để phát triển hạ tầng giao thông: Nhu cầu và giải pháp” vừa được tổ chức, một số chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm: Hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ phù hợp với thực trạng huy động vốn cho phát triển hạ tầng giao thông hiện nay.

Hỗ trợ các dự án PPP

Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét: Đầu tư PPP bên cạnh các hình thức truyền thống như BT, BOT, BOO… là tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn lực này thì vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Đinh Trọng Thắng - Trưởng Ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) – đề xuất: Để tăng cường thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư thông qua Quỹ Phát triển dự án (PDF); hỗ trợ trực tiếp cho dự án PPP dựa trên phần tham gia của nhà nước trong giai đoạn xây dựng và cân nhắc các hình thức hỗ trợ gián tiếp phù hợp cho các dự án PPP.

Phân tích kỹ hơn, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: Chìa khóa cho PPP ở Việt Nam là phải xây dựng được một thể chế có tính thị trường vững chắc, tạo lòng tin cho nhà đầu tư; duy trì được tính cạnh tranh qua mỗi giai đoạn của dự án, đảm bảo được nguồn tiền cho dự án để đáp ứng yêu cầu đầu tư. Việt Nam cũng cần chú trọng tập trung rà soát các dự án phát triển hạ tầng, phê chuẩn dự án được đề xuất dựa vào tính khả thi.

Với nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ngày một lớn như hiện nay thì khả năng ngân sách và vốn ODA khó đáp ứng.
Thùy Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận