Đào nương ca trù Bạch Vân

“Đào nương ca trù Bạch Vân” - là nhan đề bài Podcast hôm nay, bài viết của tác giả - Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bài viết:

Nàng mở chiếc gương soi dặm lại chút phấn hồng trên đôi má không còn nét bầu bĩnh thơ ngây thuở ban đầu song hãy còn lưu lại đôi nét xuân sắc một thời. Ngắt thêm nhành hoa ngâu bên sân chùa gài lên vành khăn tròn trịa, nàng vẫn không giấu được vẻ hồi hộp trước giờ phút lên chiếu ca trù biểu diễn. Trong nỗi hân hoan chia sẻ cùng các đồng nghiệp diễn viên trẻ tuổi của nghệ thuật quan họ, hình như có thoáng một chút âu lo trên gương mặt nghệ sĩ ca trừ. Liệu bà con sẽ đón đợi tiếng hát ca trù của mình ra sao đây?

Trung tuần tháng Chín âm lịch, chùa Phúc Lâm bên kia sông Đuống vào đám giỗ Tổ. Mới sáng sớm, cảnh chùa đã tấp nập, rộn rã. Khách gần khách xa ai ai vừa đến cổng chùa đều đã được bà con dân thôn đón tiếp ân cần, nồng nhiệt. Lẫn trong số đông, những người khách này cũng không có gì khác biệt nếu như họ không mang theo những thứ hành trang lỉnh kỉnh này. Thật là đủ đầy đàn ca sáo nhị nhé.

Ô thì làng vào đám mà, trai thanh gái lịch đàn ca hát xướng càng đồng thì càng vui chứ sao. Nhưng khi lũ trống đàn khăn áo đang còn nguyên trong bao gói, chúng vẫn chỉ như những đám hành lý cồng kềnh, lỉnh kỉnh mang nặng trên vai người.

Kể thì ở chốn thôn quê khuất nẻo này, khó có ai đã dễ nhận ra ngay gương mặt và tên tuổi của chị, kể cả là khi chị đã bắt đầu thay đổi phục trang chờ đến giờ biểu diễn. Chiếc khăn vấn nhung như đã có đôi nốt bạc tuyết. Tấm áo lụa tơ tằm như cũng đã chớm phai màu.

Gương giếng chùa có lẽ cũng chẳng có thể làm trẻ hơn gương mặt của người đàn bà đã từ lâu qua ngưỡng tuổi tứ tuần. Song ánh lên trong đôi mắt ấy vẫn là một niềm khao khát đam mê dấu in từ một thời con gái xa xôi.

Bạch Vân đã ngã vào tình yêu ca trù từ bao giờ nhỉ?

Sinh ra trên vùng đất Nghệ An, cô gái trẻ Lê Thị Bạch Vân sớm có năng khiếu ca hát nên đã trở thành học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Duyên may trong kỳ tuyển sinh của trường âm nhạc Việt Nam, nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ đã chấm tuyển Bạch Vân cùng một người bạn học ra Hà Nội theo học thanh nhạc tại trường âm nhạc Việt Nam. Sang đến năm 1977, cô gái trẻ ham học lại đăng ký nhập học trường Đại học Văn hóa Hà Nội tại Khoa Văn hóa quần chúng, chuyên Ban Âm nhạc và tốt nghiệp ra trường vào năm 1981.

undefined
Đào nương Bạch Vân và Nghệ nhân Vũ Văn Hồng biểu diễn tại CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: NVCC

Ngược dòng thời gian, cơ duyên mà Bạch Vân theo đuổi bộ môn ca trù lại là do người anh trai dạy cho từ thuở ấu thơ những khổ thơ mưỡu nói, hát nói đầu tiên với những ngôn từ trác tuyệt do Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tản Đà, sáng tác. Thế rồi thêm một cơ duyên tốt đẹp cho Bạch Vân là cô đã gặp được cụ Nguyễn Văn Trai, nguyên phó lý làng Láng Thượng xưa. Cụ đã tâm sự với Bạch Vân về nỗi buồn khi ca trù đang trên đường bị mai một khó có người tiếp nối. Cụ đã đưa cho Bạch Vân một cuốn sách ca trù cổ với nguyện vọng Bạch Vân sẽ tiếp tục tìm hiểu và khôi phục lại những nét đẹp hào hoa của Hà Nội một thời xa. Tuy nhiên, cũng phải qua một thời gian chật vật lăn lộn, đến năm 1991, ý nguyện thành lập Cầu lạc bộ Ca trù Hà Nội của Bạch Vân mới được thành hình. Ban đầu còn rất đơn sơ, chuệch choạc, sau mới định hình nền nếp sinh hoạt hằng tuần. Sau kỳ ra mắt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội còn phải luân phiên chuyển sinh hoạt từ các di tích như đền Thủ Lệ, đền Quan Nhân... trước khi định hình bến đỗ một thời gian dài tại Bích Câu Đạo quán trên phố Cát Linh.

Dưới mái di tích Bích Câu đạo quán hằng ghi dấu câu chuyện tình diễm lệ của một thời, có lẽ khó ai có thể ngờ tiếng đàn đáy đang ngân nga những âm điệu thánh thót, dịu dàng ấy lại là từ đôi tay của một người đàn ông ngoại quốc, anh Barley Notton, đến từ xứ Anh quốc xa xôi. Barley Notton sang Việt Nam khoảng cuối năm 1992, do được GS - TS Nguyễn Thuyết Phong ở Mỹ giới thiệu tìm hiểu ca trù Việt Nam. Anh đã gặp nghệ sĩ Bạch Vân và nghệ nhân đàn đáy Chu Văn Du để nghiên cứu làm luận văn thạc sỹ về ca trừ. Nền nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam hút hồn chàng trai ngoại quốc với những khúc đàn hát thơ mộng, thậm chí có thể gọi là mê hoặc nữa:

- Việt Nam là một xử sở kỳ diệu. Phong cảnh đẹp tươi. Con người thân thiện và âm nhạc truyền thống thì quyến rũ hồn người đi từ hết cung bậc này sang cung bậc khác. Ca trù nghe nói rất bác học nhưng tôi thấy cũng cũng hết sức gần gụi và dễ tiếp cận qua giọng hát và phong cách biểu diễn của Bạch Vân.

Từ nhiều năm rồi, có lẽ trong giới người đam mê nghệ thuật truyền thống của Hà Nội không ai là không biết đến nữ nghệ sĩ Bạch Vân chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội đặt tại ngôi đền hay còn gọi là Bích Câu đạo quán trên phố Cát Linh. Cứ vào mỗi ngày chủ nhật cuối tháng dương lịch, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội lại đều đặn nhóm họp. Khách gần khách xa lại lục tục kéo đến. Với họ, sức hấp dẫn và thu hút của Câu lạc bộ không gì khác là niềm đam mê một môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, nghệ thuật ca trù hay còn gọi là lối hát cửa đình, hát ả đào, hát nhà trò của một thời.

Nhà riêng của nhà thơ, nhà báo lão làng Chu Hà ở phố Hàng Bột xưa nay là phố Tôn Đức Thắng rất gần ngôi đền Bích Câu, trụ sở của Cầu lạc bộ Ca trù Hà Nội. Vốn cũng là một người nặng lòng trăn trở với nghệ thuật ca trù truyền thống, cụ là người ban đầu đã không mấy tin tưởng và ủng hộ nghệ sĩ trẻ Bạch Vân trong công việc gây dựng lại câu lạc bộ ca trù Hà Nội những ngày đầu trứng nước. Nhưng thực tế đã chứng tỏ thực lực và tâm huyết của Bạch Vân đã đem lại kết quả rất đáng ghi nhận. Năm ấy, ở độ tuổi xấp xỉ cửu tuần, sức lực tuy đã mỏi mòn, đôi tai chừng như đã lễnh lãng đôi phần, song trí nhớ của bậc trưởng thượng Chu Hà vẫn còn đáng nể lắm:

- Bạch Vân rất ham học hỏi. Ca trù có nhiều khúc mưỡu và hát nói được các nhà nho tài ba soạn bằng những câu thơ cổ còn nguyên âm chữ Hán, có thể rất khó hiểu và khó thuộc. Nhưng cô ấy hát không khi nào bị sai từ ngữ hoặc lệch vần điệu. Lớp trẻ học theo cô ấy cũng không dễ đâu.

Và cũng khó ai có thể ngờ được, cứ đều đặn mỗi tháng, từ đất Thanh Hoa xa xôi, có một người đàn ông tuổi đã ngoại bẩy mươi lại khăn gói trống đàn ra Hà Nội để đến với câu lạc bộ ca trù Hà Nội. Đã trên nửa thế kỷ đứt quãng với nghiệp cầm ca, nay ông như được hồi sinh trở lại trong nhịp phách tiếng đàn đầy da diết nhớ thương.

Được kết nạp vào một câu lạc bộ nghệ thuật của người Hà Nội, thật là vinh dự lắm thay. Nghệ nhân đàn đáy ưu tú Ngô Trọng Bình nay đang ở tuổi ngoại chín mươi rất tâm đắc với giọng ca trù Bạch Vân:

- Tôi đàn cho cô Vân hát điệu Thét nhạc hay ca bản Tỳ Bà Hành rất là ăn ý. Khán giả hưởng ứng nhiệt liệt. Tôi cũng như trẻ lại với những cung đàn điệu nhạc ca trù cổ truyền mà không mấy người có thể chia sẻ được niềm đam mê như cô Vân.

Trong cuộc đời con người đều có những dấu ấn năm tháng khó có thể mờ phai. Với Bạch Vân, mấy năm trong thời đoạn chuyển giao thế kỷ là những năm tháng đáng nhớ nhất. Năm 1999, Bạch Vân viết đề án & phối hợp giữa CLB Ca trù HN với Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Văn hóa thông tin tổ chức "Hội thảo ca trù Thăng Long Hà Nội lần thứ nhất". Năm 2000, Bạch Vân lại thành công với đề án "Liên hoan ca trù HN mở rộng lần thứ nhất", cũng với sự đồng ý và phối hợp của các cơ quan Thành ủy và Sở chủ quản Văn hóa thông tin. Hoạt động hội thảo và liên hoan ca trù với sự tham gia đại diện 13 tỉnh thành có giáo phường đầu tiên đã thành công vang dội. Từ đó, Quỹ Ford đã đề nghị giúp đỡ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù qua các hoạt động như mở Liên hoan, hội thảo ca trù toàn quốc, đào tạo lớp diễn viên trẻ ca trù cấp tốc. Không ai khác, Bạch Vân lại được Bộ Văn hóa thông tin mời tư vấn giúp tổ chức và soạn giáo án giảng dạy cho lớp học. Với 78 học viên được học cấp tốc hai tháng, lớp học đã tạo tiền để nòng cốt cho các địa phương muốn khôi phục nghệ thuật ca trù ở 13 tỉnh thành phía Bắc.

Đầu năm 2003, Bach Vân được thay mặt nghệ thuật ca trù Việt Nam dự giao lưu biểu diễn tại Diễn đàn xã hội thế giới tổ chức tại Ấn Độ. Giữa năm 2004, Trung tâm từ điển thế giới Oxpord và Cambeger đã bình chọn Bạch Vân là một trong 2000 nhà thức giả xuất sắc thế kỉ XXI. Cũng năm đó Bạch Vân đã cung cấp tư liệu quan trọng về nghệ nhân, giáo phường địa phương của 17 tỉnh thành cho nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - Viện phó Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam theo lời đề nghị, để trình Bộ Văn hóa thông tin kiến nghị UNESCO công nhận Hát ca trù là di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

Đam mê với ánh đèn sân khấu nhưng Bạch Vân cũng có một niềm đam mê không kém với công việc học tập và nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghệ thuật. Năm 2004, nàng đã hoàn thành luận văn thạc sĩ nghệ thuật với đề tài "Đào nương và nghệ thuật hát trong ca trừ". Và đến năm 2020, công trình đó khi được in thành sách đã được hội nhạc sĩ Việt Nam tặng thưởng giải B (không có giải A). Đó là một niềm vinh dự mới mẻ của người nghệ sĩ đã dành cả nửa thế kỷ cho tình yêu ca trù.

Vào năm 2012, với những cống hiến nỗ lực cho việc trình diễn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù dân tộc, Bạch Vân đã vinh được được nhà nước phong tặng danh hiêu cao quý Nghệ sĩ ưu tú.

Nhưng giá thử mà không có người từng lao tâm khổ tứ chắp nhặt, chi chút từng manh chiếu, bộ trà, gây dựng nên Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội thì sao có được ngày hôm nay, vang danh bốn bể. Nữ nghệ sĩ Bạch Vân từng được mời đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trong và ngoài nước, được nhận kha khá những huy chương vàng bạc và giải thưởng cao thấp. Đặc biệt là nàng hay được mời biểu diễn minh hoa cho những cuộc hội thảo về khôi phục nghệ thuật ca trù truyền thống ở Hà Nội và cả nước.

Vang danh bốn bể, nhưng ấy là vang danh câu lạc bộ với cái tôn chỉ mục đích mang hàm chứa đủ đầy tính chân thiện mỹ của nó. Còn Bạch Vân, với sức lực và tài năng hữu hạn, dẫu có gắng gỏi đến mấy, cũng khó có thể vượt lên và nổi trội. Nhưng sự đời, một niềm đam mê đích thực, vốn là tự thân của nó, rất hồn nhiên và trong sáng, đâu chỉ vì một mục đích thực tế cụ thể nào. Dẫu rằng mục đích ấy có thể cũng rất tốt đẹp đi chăng nữa. Và mặc dù nếu có đến được với mục đích ấy, chặng đường đi cũng thật lắm đỗi gian nan gập ghềnh. Mà không thể không nói rằng, điều kiện cần và đủ để tạo sức sống cho một niềm đam mê, ấy chính là cái khoảng cách vô hình đôi khi rất trớ trêu như thế.

Vào một ngày xấu trời nào đó, cái địa điểm linh thiêng mà Bạch Vân chi chút chăm lo từ việc trải chiếu quét nhà cho đến hương hoa trầu rượu tại Bích Câu đạo quán đã bị một thế lực mạnh hơn chiếm cứ. Cả thầy lẫn tớ Bạch Vân lại lơ ngơ phiêu bạt mất một thời gian cho đến khi duyên may lại được nương nhờ dưới bóng Thánh tổ nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân phố Hàng Bạc.

Những hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội kể từ dịp kỷ niệm 1000 năm khởi dựng kinh thành Thăng Long Hà Nội, trong đó có câu lạc bộ ca trù của Bạch Vân cũng đã góp phần tạo nên một diện mạo mới mẻ đầy sức sống thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Bạch Vân như nạp được thêm một nguồn năng lượng mới để say sưa cống hiến và đào luyện những hạt nhân ca trù trẻ tuổi. Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Bá Hanh (tức Hải) với những ngón đàn điêu luyện ngọt ngào, tình tứ chính là người đã trưởng thành từ những đêm hát ca trù của câu lạc bộ ca trù Hà Nội dưới sự kèm cặp dẫn dắt chí tình từ nghệ sĩ Bạch Vân.

Cho đến nay, đào nương Lê Ngọc Hân, thành viên của cầu lạc bộ ca trù Hà Nội, cô gái trẻ từng theo Bạch Vân từ cái thời Hồng Hồng Tuyết Tuyết mới ngày nào chưa biết cái chi chi... cũng đã thành thục lời ca nhịp phách và được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2014. Đó cũng được coi như một phần thưởng cho cuộc đời nghệ sĩ của Bạch Vân.

Bạch Vân tuổi Đinh Dậu. Cho dù không mê tín thì người đời cũng biết là gái Đinh Dậu chả mấy ai được ung dung nhàn nhã. Từ chuyện sự nghiệp đến chuyện đời tư Bạch Vân cũng đều long vất vả. Kiếp sống của người nghệ sĩ dân gian, như các cụ ta vẫn nói, tiếng cả mà nhà không.

Gọi là nhà không thì không hẳn đã đúng, vì căn nhà của nghệ sĩ Bạch Vân lúc nào cũng ăm ắp tiếng đàn ca. Nhưng mà, ngẫm như một câu Kiều thì:

Rằng hay thì thật là hay

Nghe ra ngậm đẳng nuốt cay thế nào

Có người nghe chuyện trách rằng: Quả là người cũng như tên, chuyện dưới đất không lo, cứ lơ lửng trên trời, đã là mây, lại còn là mây trắng. Sao mà thanh khiết mà bay bổng đến thế. Rồi biết đến bao giờ mà mặt đất gặp được chân mây?

Nhưng quái lạ, trở đi trở lại, cái nghiệp cầm ca dù đắng cay đến mấy, cũng vẫn dễ khiến người ta rút ruột rút gan cả một đời cho nó mà chẳng thể tính toán thiệt hơn. Quả thực vậy, nếu so đo tính toán thiệt hơn thì sao còn có thể gọi là nỗi đam mê.

Chặng đường trở lại đầu tiên của nghệ thuật ca trù truyền thống trên đất Hà Nội dẫu mấy khó khăn trắc trở song cũng đã lui lại đằng sau. Những người đam mê tâm huyết với nghệ thuật ca trù ở Hà Nội đã ngày một đông đảo thêm, trong đó là không ít những mầm non nghệ thuật đang hé nở. Dẫu rằng chặng đường đến với những đỉnh cao của nghệ thuật ca trù còn rất đỗi truân chiên.

Nhưng hỏi rằng liệu Bạch Vân đã có một lần nào nản chí?

- Không bao giờ. Bạch Vân còn sống là còn ca hát và còn gõ phách. Đơn giản chỉ có thế thôi?

Đám hội làng quê bên sông Đuống đang vào canh quan họ nao nức, rộn ràng. Tình tứ và thắm thiết. Nữ nghệ sĩ Bạch Vân đang chờ đến tiết mục biểu diễn của mình. Nàng mở chiếc gương soi dặm lại chút phấn hồng trên đôi má không còn nét bầu bĩnh thơ ngây thuở ban đầu song hãy còn lưu lại đôi nét xuân sắc một thời. Ngắt thêm nhành hoa ngâu bên sân chùa gài lên vành khăn tròn trịa, nàng vẫn không giấu được vẻ hồi hộp trước giờ phút lên chiếu ca trù biểu diễn.

Trong nỗi hân hoan chia sẻ cùng các đồng nghiệp diễn viên trẻ tuổi của nghệ thuật quan họ, hình như có thoáng một chút âu lo trên gương mặt nghệ sĩ ca trù. Liệu bà con sẽ đón đợi tiếng hát ca trù của mình ra sao đây?

Bởi tự xưa, ca trù vốn vẫn là một nghệ thuật mang tính bác học khá cao, nó không dễ thích hợp với số đông khán thính giả, nhất là các khán thính giả của Hà Nội thế kỷ XXI, một Hà Nội đang trên con đường phát triển hội nhập mạnh mẽ với đất nước và cả thế giới. Song có lẽ chính vì thế mà nỗi khát khao bảo tồn và duy trì nó càng thêm cháy bỏng, nồng nàn. Dẫu rằng vẫn khắc khoải trong đáy tim một câu Kiều mông lung nghi hoặc mà cũng khấp khởi ước mong:

Vui là vui gượng kẻo mà

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Trên trời cao, những đám mây trắng mang tên gọi như là một lời tiên tri của cuộc đời nữ nghệ sĩ Bạch Vân vẫn lãng đãng trôi về một chốn xa. Và có lẽ, chúng vẫn đem theo bao nỗi ước mơ của không chỉ một kiếp người trong cõi nhân gian.

Nội dung Podcast đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Thanh Thảo - Phú Thành
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận