Cần tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi cho nông dân

Cần tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi cho nông dân - là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tình hình xuất khẩu (XK) gạo ngay những ngày đầu năm 2019 đã lao dốc, khiến giá lúa, gạo thị trường nội địa sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
[WIDGET_VIDEO:::931]
Chiều ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp xử lý tình hình lúa gạo xuống giá ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Giá lúa gạo giảm sâu

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo XK tháng 1/2019 giá cả về lượng và giá trị. Nguyên nhân được đánh giá là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các DN đã giao hàng vào tháng 12/2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất XK gạo của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.

Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, hiện giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg (so với đầu tháng 1/2019) và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ. Tại An Giang, không chỉ lúa thường mà cả lúa gạo chất lượng cao giá cũng giảm mạnh. Lúa chất lượng cao RVT năm 2018 có giá 8.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 5.500 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao khác như: ST, Đài Thơm… cũng giảm khoảng 2.000 đồng/kg…

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ diễn ra chiều 19/2, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Phối hợp với Bộ NN&PTNT sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.

Nhu cầu nhập khẩu thấp hơn những năm trước

Lý giải về nguyên nhân giá lúa gạo giảm sâu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, năm 2019, chủng loại IR50404 – gạo thường nhiều hơn những năm trước do trồng thay thế gạo nếp, giá loại gạo này cũng thấp hơn so với gạo nếp.

\"can
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại cuộc họp xử lý tình hình lúa gạo xuống giá ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo năm nay cũng thấp hơn so với những năm trước. Cụ thể, tại Indonesia năm 2018 đã nhập khẩu một khối lượng lớn nên năm nay họ dừng không nhập khẩu. Tại Bangladesh sản xuất đã phục hồi sau trận lũ lụt năm 2017, năm 2018 Bangladesh nhập 1,4 triệu tấn thì sang năm 2019 họ chỉ nhập 400 nghìn tấn. Thị trường Trung Quốc xả tồn kho. Tất cả những yếu tố này về phía Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã bàn và nhận định năm 2019 xuất khẩu gạo sẽ không dễ dàng. “Do đó, mục tiêu lúc này là cố gắng giữ được mức giá có lãi cho nông dân. Nếu quay trở lại mức giá cao như năm 2018 là tương đối khó” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng phủ nhận ý kiến của Bộ NN&PTNT cho rằng, Trung Quốc đối xử rất khắt khe với Việt Nam trong câu chuyện về gạo. Thứ trưởng thông tin, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và trong số các nước XK gạo vào Trung Quốc thì Việt Nam luôn luôn đứng số 1. Thời gian vừa qua, Trung Quốc cho phép 22 DN Việt Nam XK gạo vào nước họ dựa trên năng lực của 22 DN này. Tuy nhiên, có 3 DN đã XK quá năng lực kiểm soát của DN dẫn đến gạo đang XK vào Trung Quốc có vấn đề về mặt chất lượng. Về phía Bộ Công Thương đã đàm phàn với phía Trung Quốc và Trung Quốc đã đồng ý cho 3 DN này tiếp tục XK nhưng đề nghị Bộ NN&PTNT hoàn tất nhanh việc kiểm tra cả 22 DN này có làm đúng những gì mà DN đã cam kết hay không. Phía Trung Quốc yêu cầu trước 3/3/2019 phải có bản báo cáo gửi sang cho Trung Quốc. “Nếu ngày 3/3 mà chưa có bản báo cáo này thì họ mới áp dụng các biện pháp hạn chế chứ thời điểm này họ chưa áp dụng biện pháp hạn chế nào. Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT sớm hoàn tất báo cáo này để cùng làm việc với phía Trung Quốc” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nếu như bây giờ có thể mua và dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng như Bộ NN&PTNT đề xuất sẽ góp phần cải thiện giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và tạo tâm lý tốt hơn đối với người nông dân. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam bàn về chương trình kiểm tra các DN tuân thủ đúng quy định của Điều 12, Nghị định 157 về 5% dự trữ lưu thông.

\"can
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp xử lý tình hình lúa gạo xuống giá ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng yêu cầu mua sớm 200.000 tấn gạo dự trữ

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần việc gì có lợi cho người dân thì cố gắng làm và nêu rõ, các biện pháp đưa ra là biện pháp thị trường bình thường chứ không phải phi thị trường. Để giải quyết vấn đề giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ mặc dù người nông dân vẫn có lãi (nhưng mức lãi rất thấp), Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch XK gạo.

Cùng với việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo hỗ phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi. Báo cáo Thủ tướng sớm có chủ trương để dự trữ, có một cơ số cần thiết giải quyết việc trồng rừng trong mùa xuân này.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các DN và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua trong thời kỳ đang rộ mùa này”. “Định hướng tín dụng mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị toàn quốc về ngân hàng là ưu tiên lĩnh vực XK và nông nghiệp nông thôn. Cả 2 lĩnh vực này đều đúng trong nhóm tín dụng ưu đãi mà Chính phủ đã đưa ra tại chủ trương tín dụng năm 2018-2019” - Thủ tướng phát biểu.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và 2 Tổng công ty lương thực có chủ trương cụ thể bằng các nguồn lực khác nhau chỉ đạo mua kịp thời, sớm nhất lúa gạo cho người dân.

Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gì bất kỳ gạo ở nước ngoài.

Với những giải pháp trên, Thủ tướng giao NN&PTNT chủ trì, ngay đầu tuần tới họp với UBND các tỉnh, các DN có liên quan khác, Ngân hàng nhà nước… để thúc đẩy xử lý vấn đề mua lúa mua thóc của nông dân. Các bộ, địa phương giám sát việc thu mua để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân…

Theo các chuyên gia lúa gạo, giá gạo giảm là xu hướng chung của thị trường sau một thời gian dài giá tăng cao và chưa xác định khi nào giá lúa sẽ tăng trở lại. Việc Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tung vốn cho DN để đẩy mạnh thu mua lúa trong dân tạm trữ chờ XK là giải pháp cần thiết nhất trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài cần cách làm bài bản, liên kết chặt chẽ giữa DN với nông dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều ngành lúa gạo đang thiếu lúc này.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận